Bệnh "ngáo quyền lực" trong giới nghệ sĩ Việt và tiếng nói của người trong cuộc

Bệnh “ngáo quyền lực” trong giới nghệ sĩ Việt và tiếng nói của người trong cuộc

SKO – Tự phong mình là vua, là ông hoàng, là bà chúa, tự cho mình cao hơn công chúng, không ít nghệ sĩ hở cái là lên mặt dạy đời khán giả. Họ coi mình là ngôi sao, hoạt động nghệ thuật là sự ban ơn để công chúng thụ hưởng. Một số trong giới nghệ sĩ Việt đang có biểu hiện “ngáo quyền lực”, “ảo tưởng sức mạnh”. 

 

Tiêu điểm:

 

Lời tâm sự về nỗi vất vả, áp lực nghề nghiệp của nghệ sĩ trở nên khoa trương, trơ trẽn và như đổ lỗi cho khán giả khi Trấn Thành là một trong những ngôi sao “hốt bạc” nhiều nhất showbiz.

Nước mắt Trấn Thành tại buổi họp báo dự án phim “Hào quang rực rỡ – The King” là đề tài khiến cộng đồng mạng nảy lửa những ngày qua. Trấn Thành nức nở bộc bạch: “Đời nghệ sĩ khó nuốt hơn quý vị nghĩ rất nhiều. Nếu quý vị thích hào quang thì hãy thử chạm vào nó. Bốn chữ “hào quang rực rỡ” này, ai đã trải qua thì mới biết nó là cái gì”.?.

 

Trấn Thành gây tranh cãi với màn khóc lóc, chia sẻ về áp lực nghề nghiệp.

Ca sĩ Duy Mạnh bức xúc lên tiếng với đàn em: “Làm nghệ sĩ nổi tiếng mặc dù có chút áp lực về công việc nhưng thực sự rất tự hào, hãnh diện và hạnh phúc. Đạt được vinh quang đó là mong ước của rất nhiều người. Nhưng một khi đạt vinh quang rồi lại than van kể khổ, rồi lại khóc lóc với thiên hạ. Hành động đó bản chất là ích kỷ, là coi thường khán giả”.

Đây không phải lần đầu Trấn Thành có những hành động và phát ngôn làm mếch lòng khán giả. Hồi năm 2017, bị công chúng chỉ trích khi diễn vở hài kịch “Tô Ánh Nguyệt thời @” nhảm nhí, phá nát hình tượng Tô Ánh Nguyệt kinh điển, Trấn Thành tuyên bố xanh rờn: “Tivi là của chung, chúng ta nên chọn lọc mà xem. Nếu quý vị cảm thấy chương trình nào nhảm nhí, hãy tắt tivi”.

Ngoài chuyện khóc lóc của Trấn Thành, tên dự án phim tiểu sử của Đàm Vĩnh Hưng cũng nhận về mưa “gạch đá”. Bộ phim “Hào quang rực rỡ – The King” tái hiện hành trình sự nghiệp của Đàm Vĩnh Hưng từ khi còn là một thợ cắt tóc vô danh đến khi trở thành ca sĩ nổi tiếng. Điều gây tranh cãi xoay quanh hai chữ “The King” (Nhà vua).

Lâu nay, anh được mệnh danh là “ông hoàng nhạc Việt”, khán giả vẫn châm chước vì đó là thói quen xướng tụng bóng bẩy của truyền thông chứ giọng hát và thực lực của nam ca sĩ chỉ ở mức thường thường bậc trung. Khán giả cũng theo đó mà gọi cho vui miệng. Nhưng với dự án lần này, cái tên bộ phim chứng tỏ Đàm Vĩnh Hưng chính thức vỗ ngực tự xưng mình là vua. Một sự ảo tưởng kệch cỡm và lố bịch.

 

Sự lố bịch và kệch cỡm khi tự phong mình là ông hoàng bà chúa

Trước sự phản ứng gay gắt của dư luận, mới đây ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng buộc phải bỏ chữ “The King” ra khỏi tên phim chính thức. Anh phân trần: “Khi bắt tay vào thực hiện dự án, nhà sản xuất cũng độc lập thu thập rất nhiều chất liệu về Hưng, kể cả những góc khuất, scandal dựa trên truyền thông để xây dựng kịch bản.

Và danh xưng “ông hoàng nhạc Việt” với tiếng Anh của dự án họ dùng là “The King” có lẽ cũng là một trong những tranh cãi mà họ sẽ kể trong phim. Tuy nhiên, khi lắng nghe những thông tin vừa qua xung quanh tên phim, Hưng và ekip nhận thấy ý kiến đóng góp của khán giả là hợp lý và chính xác. Đó là lý do Hưng đã bàn với nhà sản xuất điều chỉnh tên phim cho phù hợp hơn để không gây những hiểu lầm không mong muốn”.

Thói quen xướng tụng vô tội vạ của báo lá cải lẫn người hâm mộ đã khiến nghệ sĩ mắc bệnh ngôi sao, tự coi mình là vua chúa không ngai trong lĩnh vực nghệ thuật. Nào là “ông hoàng nhạc Việt”, “nữ hoàng nhạc dance”, nào là “hoàng tử nhạc tình”, “công chúa nhạc pop”, “nữ hoàng giải trí”… Rủng rẻng các danh hiệu cực kêu nhưng không theo một tiêu chí, thước đo nào cả. Kiểu danh hiệu “tự phong” trong showbiz nhiều nhan nhản và nó được nghệ sĩ ra sức đánh bóng.

Ngoài báo chí, người hâm mộ thì nạn đồng nghiệp ca ngợi, tung hô lẫn nhau với lối nói ngoa ngôn trở thành căn bệnh trầm kha của làng giải trí. Ai cũng sượng trân khi Trấn Thành đưa Đàm Vĩnh Hưng lên tận mây xanh: “Nếu có sinh ra 10 kiếp nữa, Trấn Thành cũng không thể có sự tỉ mỉ và chu đáo như anh. Điển hình như việc trưng bày các bộ trang phục khắp thảm đỏ, trông không khác gì viện bảo tàng về thời trang”. Còn Lê Dương Bảo Lâm thì tán tụng Trấn Thành như phim chưởng: “Trấn Thành là tượng đài 400 năm có một”.

NSƯT Thành Lộc ngao ngán khi nhiều bạn trẻ nhanh chóng nổi tiếng sau một cuộc thi, rồi được truyền thông tán thưởng dồn dập nên dễ bị nhiễm bệnh ngôi sao. “Lâu rồi tôi từ chối không tham gia gameshow tìm kiếm tài năng. Tôi không chịu được cách giám khảo khen quá lời. Nào là “vi diệu, trên cả tuyệt vời”. Nào là “giọng hát của em khiến tôi nổi hết cả da gà”. Nghe các bạn khen, ngồi bên cạnh mà tôi nổi da gà thiệt vì lỗ tai mình không hề thấy giọng hát đó xuất sắc gì hết. Mình khen quá, mấy em mới chập chững bước vào nghề tưởng thiệt thì khổ cho mấy em” – ông nói.

Ca sĩ Đông Nhi suýt bị “đóng băng” sự nghiệp khi gây hấn với fan.

Được ca tụng, không ít nghệ sĩ cứ thế “ảo tưởng sức mạnh”, tự tin một cách mù quáng. Và khi đã cho mình đứng trên tầm cao, họ nhìn xuống khán giả với một thái độ trịch thượng, coi thường. Giữa năm 2022, Đông Nhi – nữ ca sĩ đông fan bậc nhất showbiz – đối diện với cuộc khủng hoảng chưa từng có trong sự nghiệp. Tất cả bắt nguồn từ thái độ phũ phàng, vong ơn của cô với fan ruột trong một bài công kích đăng trên trang Facebook cá nhân.

Tương tự, đầu năm nay, vụ việc của NSƯT Xuân Bắc đã cho thấy cái nhìn lệch lạc về mối quan hệ giữa nghệ sĩ và khán giả. Viết một câu chuyện về nồi bánh chưng của mẹ, (nội dung kể về đứa con năm nào cũng về ăn bánh chưng căng bụng nhưng hễ cắn một miếng là chê ỏng chê eo dù anh ta không biết gói).

Xuân Bắc bị khán giả cho rằng đang đá xéo họ khi chê chương trình “Táo quân” nhạt nhẽo. Một nghệ sĩ kỳ cựu như Xuân Bắc lại tự cho nghệ sĩ ở vai người mẹ – kẻ trên và khán giả là vai người con – kẻ dưới, thì đó là mối quan hệ vô cùng sai lệch.

Xuân Bắc đã dính vạ miệng hồi đầu năm

Thực tế mối quan hệ giữa nghệ sĩ và khán giả không phải là mối quan hệ của kẻ trên – người dưới theo kiểu một chiều, con chỉ việc nhận từ mẹ mà đó là mối quan hệ hai chiều, tương tác qua lại. Nghệ sĩ sáng tạo ra tác phẩm, nuôi dưỡng tâm hồn công chúng, làm phong phú hơn đời sống tinh thần của họ.

Ngược lại khán giả không chỉ trả công cho nghệ sĩ mà còn nuôi sống nghệ sĩ về mặt tinh thần. Sự ủng hộ, động viên của khán giả là động lực để nghệ sĩ tồn tại và tạo nên những tác phẩm giá trị.

Những nghệ sĩ tỏ thái độ vong ơn, coi thường khán giả đều nhanh chóng nhận quả đắng. Ngay sau phát ngôn khiêu khích hồi năm 2017, Trấn Thành bị Đài Truyền hình Vĩnh Long và nhiều đơn vị sản xuất khác cấm sóng một thời gian dài. Sự khắt khe này khiến Trấn Thành phải gửi lời xin lỗi khán giả.

Phải rất lâu người ta mới nguôi ngoai để đón nhận sự cầu thị và nỗ lực lấy lòng của Trấn Thành. Kỷ lục phòng vé 400 tỷ của “Bố già” và gần 500 tỷ đồng của “Nhà bà Nữ” là câu trả lời cho sự ưu ái của khán giả với những gì mà Trấn Thành cống hiến.

Biểu hiện “ngáo quyền lực” , “áo tưởng sức mạnh” ở một bộ phận giới nghệ sĩ hiện nay

Trên trang cá nhân cũng như tại các buổi giao lưu với khán giả trong thời gian phim đang công chiếu, anh không tiếc lời cảm ơn khán giả đã thương mình, ủng hộ mình. Nên họ sốc, rất sốc khi “Nhà bà Nữ” vừa rời rạp chưa lâu, Trấn Thành đã lật mặt với phát ngôn đậm mùi coi thường khán giả.

Đông Nhi cũng bị đóng băng sự nghiệp khi hàng nghìn fan quay lưng. Để cứu vãn, cô phải lên tiếng xoa dịu người hâm mộ. Những cái tên như ca sĩ Bùi Anh Tuấn, nhạc sĩ Tiên Cookie, Hương Giang Idol… cũng bị tẩy chay khi cho mình cái quyền cao hơn công chúng.

NSND Kim Cương tâm niệm: “Má tôi – NSND Bảy Nam – thường răn: “Con ơi, nghề mình không phải là nghề kiếm tiền. Nó là cái Đạo”. Hồi nhỏ, tôi không hiểu Đạo ở đây là gì. Sau này lớn lên, lăn lộn với nghề, tôi hiểu thì ra má nói về cái Đạo làm người.

Tôi học được ở má hai điều quan trọng: Đó là trách nhiệm của người nghệ sĩ và sự trân trọng của người nghệ sĩ đối với nghề nghiệp của mình, với khán giả của mình. Do vậy, nghệ sĩ chúng tôi ngày xưa rất thận trọng với nghề. Chúng tôi kính Tổ nghiệp đến nỗi không dám nói một câu thất đức.

Chính vì trân trọng nghề, trân trọng khán giả mà nghệ sĩ khi đó rất trân trọng cuộc sống của mình. Mình không thể dạy người đời sống đẹp mà bản thân mình lại sống lọc lừa, độc ác, vô ơn… Nghệ sĩ là người đem đến cái đẹp, ca ngợi cái đẹp nên họ phải sống sao cho đẹp, dù biết đó là điều rất khó”.

Ms Tiên (theo CAND)


Tin liên quan:

 

0886055166
0886055166