TTSK
– Sử lý đúng khi con bị sốt không phải ai cũng làm tốt. Sốt là tình trạng tăng nhiệt độ của cơ thể trên mức bình thường. Việc dùng thuốc hạ sốt cho trẻ rất quan trọng bởi nếu dùng sai sẽ gây hại.
1. Dùng thuốc hạ sốt cho trẻ cần lưu ý gì?
Khi trẻ bị sốt bố mẹ không nên lo lắng quá, cần nhanh chóng thực hiện các bước sau:
– Nới lỏng quần áo.
– Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, tránh mặc quần áo dày khó thoát nhiệt.
– Nếu trẻ đang đóng bỉm bố mẹ nên cởi bỉm và mặc quần cho bé…
– Bổ sung nước và điện giải:
Khi trẻ bị sốt, cần bổ sung nước và điện giải. Oresol là loại nước bổ sung điện giải tốt nhất cho trẻ nếu trẻ bị sốt kèm theo tiêu chảy hay nôn. Loại nước này khá khó uống với trẻ và nhiều trẻ bị nôn khi uống. Do đó, nên cho trẻ uống ít một và nghỉ 5-10 phút sau mỗi lần uống.
Cần pha cả gói với số lượng nước theo đúng tỉ lệ hướng dẫn trên gói thuốc. Không pha ½ hay 1/3 gói vì khi chia thuốc không chính xác sẽ làm thay đổi nồng độ các chất điện giải trong dung dịch, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc như: Trẻ bị co giật, rối loạn tri giác do nồng độ đậm đặc hoặc thuốc không có tác dụng do pha loãng…
Ngoài ra, nếu trẻ khó khăn trong hợp tác uống oresol, bố mẹ có thể thay thế bằng các chế phẩm khác như nước lọc, nước trái cây hoặc sữa.
Theo dõi nhiệt độ cho trẻ trước khi dùng thuốc
– Dùng thuốc hạ sốt:
Nếu trẻ số từ 38,5 độ C trở lên (hoặc từ 38 độ C ở các trẻ có tiền sử sốt cao co giật) cần cho trẻ dùng thuốc hạ sốt.
+ Paracetamol:
Là loại thuốc được khuyến cáo dùng khi chưa loại trừ được trẻ có sốt xuất huyết hay không. Paracetamol còn được gọi là acetaminophen. Đây là một thuốc giảm đau và hạ sốt khá an toàn.
An toàn nhất là sử dụng paracetamol dưới dạng đơn chất, với liều từ 10-15mg/kg đối với trẻ em, uống cách 4-6 giờ.
Hiện nay, vì tính phổ biến của thuốc và thực trạng sử dụng thuốc của người dân nói chung, nên việc sử dụng quá liều paracetamol xảy ra rất thường xuyên.
Paracetamol được chuyển hóa tại gan, khi dùng quá liều sẽ gây độc mạnh cho gan, biểu hiện từ tổn thương tế bào gan, viêm gan cấp đến suy gan cấp, dẫn đến rối loạn chức năng cơ quan khác, có thể dẫn đến tử vong.
Việc xác định ngộ độc paracetamol tại nhà là rất khó, vì thường không có triệu chứng ở giai đoạn sớm. Vì thế chỉ dùng thuốc đúng liều theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc khuyến cáo của nhà sản xuất. Nếu trẻ dùng thuốc chuẩn liều mà không hạ được sốt như mong đợi, cần sử dụng thêm biện pháp khác và đưa trẻ đến bệnh viện.
+ Ibuprofen:
Chỉ được dùng nếu trẻ không bị sốt xuất huyết. Liều 10 mg/kg cân nặng, uống cách 4-6h nếu trẻ còn sốt. Riêng loại thuốc này chỉ dùng khi có sự đồng ý và hướng dẫn của bác sĩ.
+ Miếng dán hạ sốt:
Miếng dán hạ sốt không có tác dụng hạ sốt mà chỉ có tác dụng làm cảm giác mát, dễ chịu tại vị trí dán.
Miếng dán hạ sốt chỉ có tác dụng làm cảm giác mát, dễ chịu tại vị trí dán.
+ Chườm ấm:
Khi trẻ bị sốt nên kết hợp chườm ấm để hạ sốt cho trẻ. Chườm ấm sẽ khiến lỗ chân lông trên cơ thể giãn nở, giãn các mạch máu ngoại vi, tăng khả năng tản nhiệt, từ đó hạ sốt.
Cách chườm ấm: Dùng khăn nhúng vào nước ấm (có thể kiểm tra độ ấm của nước bằng cách nhúng khuỷu tay và cảm giác ấm như khi tắm em bé là được). Nếu nước nguội thì phải pha thêm nước nóng hoặc thay bằng chậu nước ấm khác, kiểm tra nhiệt độ rồi lại lau người cho trẻ.
Sau 15 – 30 phút, đo lại thân nhiệt của trẻ, dừng chườm khi nhiệt độ của trẻ dưới 37,5 độ C.
Khi chườm, cần chú ý lau nhẹ nhàng, tránh chà xát khiến trẻ đau rát, mẩn đỏ.
2. Những sai lầm khi hạ sốt cho trẻ
Những sai lầm mà bố mẹ thường mắc phải khi hạ sốt cho bé tại nhà, có thể khiến bệnh thêm nghiêm trọng và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của trẻ.
– Chườm lạnh để hạ sốt:
Không khuyến khích hạ sốt cho bé bằng cách chườm lạnh. Biện pháp này có thể khiến lỗ chân lông co lại, thân nhiệt không thể thoát ra ngoài. Ngoài ra, chườm đá còn dễ khiến bé bị bỏng lạnh.
Vì vậy, thay vì chườm lạnh, nên chườm ấm cho trẻ bằng cách dùng khăn nhúng vào nước ấm (37 – 40 độ C), vắt bớt nước rồi đắp khăn vào nách, bẹn, cổ, trán để giúp cơ thể bé thoát nhiệt nhanh.
– Đắp chăn, ủ ấm cho bé khi sốt cao:
Khi sốt quá cao sẽ gây ra tình trạng rét run, chân tay lạnh ngắt. Khi thấy con kêu lạnh, nhiều bà mẹ đắp chăn, ủ ấm cho bé nhưng điều này lại cực kỳ nguy hiểm bởi cảm giác rét run này là do hiện tượng co mạch ngoại vi. Trong khi nhiệt độ bên trong người vẫn có thể lên đến 40 – 41 độ C.
Vì vậy, ủ ấm cho bé khi sốt cao khiến thân nhiệt không thể thoát ra ngoài, thúc đẩy nhiệt độ cơ thể lên cao và khi đến “đỉnh điểm”, trẻ sẽ bị co giật và tím tái.
Dùng dụng cụ đong thuốc chính xác để tránh quá liều.
– Không kiểm tra nhiệt độ của bé bằng nhiệt kế:
Nhiều phụ huynh chủ quan không dùng nhiệt kế kiểm tra nhiệt độ của bé. Thay vào đó, mẹ thường dùng tay áp lên trán để kiểm tra nhiệt độ. Và cho con uống thuốc hạ sốt ngay khi thấy bé nóng hơn bình thường hoặc/và quấy khóc. Điều này gây ra nhiều nguy hại cho bé vì nguy cơ tác dụng phụ của thuốc có thể xảy ra với bé (nếu có).
– Hạ sốt nhanh bằng cách kết hợp nhiều loại thuốc hạ sốt:
Tâm lý chung của các bậc phụ huynh là phải tìm cách hạ sốt nhanh nhất cho con nên thường kết hợp nhiều loại thuốc hạ sốt với nhau. Hoặc vừa đặt thuốc ở hậu môn vừa uống thuốc, lau người, dán miếng hạ sốt…
Tuy nhiên việc thúc hạ sốt nhanh cho bé là một sai lầm. Bởi khi thân nhiệt hạ xuống quá nhanh lại có thể gây ra nguy hiểm cho bé. Chưa kể việc dùng thuốc quá liều còn dẫn đến ngộ độc thuốc, rất nguy hiểm.
Thủy Tiên (theo SKĐS)