TTSK
– Cùng với tiểu đường và huyết áp, tỷ lệ người bị suy giãn tĩnh mạch chân ngày một ra tăng. Điều này đáng báo động bởi vì bệnh có liên quan tới các vấn đề về tim mạch và thường gây ra biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và chữa kịp thời.
Suy giãn tĩnh mạch chân là bệnh lành tính do sự rối loạn lưu thông dòng máu trong tĩnh mạch về tim. Đa phần do sự bất thường cấu tạo thành mạch 2 chân và thường do nguyên nhân thứ phát.
Bệnh được chia làm 4 nhóm: Tĩnh mạch nông; Tĩnh mạch sâu; Tĩnh mạch xuyên; Vị trí tĩnh mạch không xác định.
Đa số người bệnh hiện nay đều rơi vào tình trạng suy giãn tĩnh mạch chân mức độ nông. Trên thực tế, ai cũng có thể bị suy giãn tĩnh mạch chân. Những trường hợp giãn tĩnh mạch chân nhẹ chỉ gây khó chịu hay mất thẩm mỹ. Tuy nhiên, trường hợp nặng có thể dẫn đến phù chân cuối cùng là loét chân.
1. Nhận biết suy giãn tĩnh mạch chân
– Suy giãn tĩnh mạch chân được chẩn đoán dễ dàng với các triệu chứng lâm sàng điển hình: căng tức chân, tê bì hai chi dưới, đau bắp chân, phù chân nhất là cuối ngày, chuột rút một hoặc hai chi dưới gặp nhiều về ban đêm. Đặc biệt xuất hiện các búi tĩnh mạch nổi rõ ngoằn ngoèo dưới da cẳng chân, kheo chân, bàn chân và nếu được siêu âm hệ thống tĩnh mạch thì có kết luận chắc chắn là suy giãn tĩnh mạch chân.
– Thực ra, suy giãn tĩnh mạch chân là do trào ngược tĩnh mạch xảy ra khi có sự suy van tĩnh mạch, từ đó làm ứ trệ dòng máu trong các nhánh tĩnh mạch chân. Khi van tĩnh mạch chân hoạt động yếu hoặc không còn hoạt động nhịp nhàng sẽ gây gia tăng áp lực tĩnh mạch và có thể gây ra triệu chứng như phù, đau nhức, chuột tút… Nếu cơ chế bơm máu ở cẳng chân kém thì càng gây nên triệu chứng giãn tĩnh mạch chân trầm trọng hơn.
2. Biến chứng của suy giãn tĩnh mạch chân
– Biến chứng về rối loạn huyết động học ở cẳng chân bệnh nhân thể hiện: cẳng chân bị sưng to, có triệu chứng đau buốt mặt sau cẳng chân, chuột rút nhất là về đêm.
– Nặng hơn có thể bị viêm tắc tĩnh mạch, chân nóng, sưng đỏ, các tĩnh mạch nông nổi rõ và viêm cứng, đau, nhất là khi sờ nắn vào.
– Giai đoạn cuối cùng có thể diễn tiến đến tình trạng giãn to toàn bộ hệ tĩnh mạch. Các tĩnh mạch giãn rất lớn, ứ trệ tuần hoàn và rối loạn dinh dưỡng của da chân phía dưới gây viêm loét tĩnh mạch nếu không vệ sinh đúng có thể bị nhiễm trùng rất khó điều trị và có nguy cơ gây nhiễm trùng máu.
– Nhiễm trùng máu ở bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch chân là rất nguy hiểm, khó chữa trị nhất là phát hiện muộn, nhập viên chậm. Hơn nữa cục máu đông hoặc mảng vỡ của lòng tĩnh mạch bong ra rời khỏi thành tĩnh mạch, đi về tim và gây thuyên tắc động mạch phổi, động mạch vành tim gây ra một biến chứng rất nặng có thể đưa đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
– Ngoài ra, suy giãn tĩnh mạch chân gây mất thẩm mỹ, nhất là nữ giới.
3. Điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch chân
Tùy vào từng bệnh nhân và tiến triển của bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định một biện pháp riêng lẻ hay kết hợp các phương pháp dưới đây:
– Trước tiên thực hiện dùng băng ép và vớ tạo áp lực, bởi vì băng và vớ có tác dụng ép vào các bắp cơ, tạo một áp lực lớn ở phía dưới và giúp các van tĩnh mạch khép lại giúp máu lưu thông về tim dễ dàng hơn. Hai dụng cụ này giúp làm chậm tiến triển của bệnh, phòng ngừa bệnh tái phát và hỗ trợ các biện pháp điều trị ngoại khoa.
– Bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc chống đông máu, thuốc giảm đau và thuốc hỗ trợ tĩnh mạch. Người bệnh không tự ý mua thuốc để chữa trị sẽ rất nguy hiểm.
– Ở bệnh viện chuyên khoa, bác sĩ có thể tiến hành chích xơ, tức là một dung dịch sẽ được tiêm vào tĩnh mạch gây phản ứng viêm kết hợp với nén ép tĩnh mạch, khiến máu không vào được tĩnh mạch bị giãn, kết quả là tĩnh mạch đó bị xơ hóa và không còn hoạt động nữa. Thủ thuật này phải được tiến hành ở bệnh viện chuyên khoa do bác sĩ chuyên khoa thực hiện.
– Trong trường hợp cần thiết bác sĩ chỉ định có thể phẫu thuật trong trường hợp tổn thương tĩnh mạch nông, đoạn tĩnh mạch bị giãn sẽ bị cắt bỏ thông qua các đường rạch nhỏ. Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được băng ép, nằm bất động trên giường khoảng ba ngày dưới sự theo dõi của bác sĩ.
Tại Hoa Kỳ, phương pháp phẫu thuật cắt bỏ tĩnh mạch đã được thay thế bằng phương pháp cắt đốt nhiệt nội mạch qua ống thông (EVTL). Phương pháp này sử dụng năng lượng laser hoặc sóng cao tần.
Thủy Tiên (theo SKĐS)