Phải cưa chân do chủ quan với căn bệnh thường gặp

Phải cưa chân do chủ quan với căn bệnh thường gặp

TTSK – Khoa Phẫu thuật tim mạch – Lồng ngực Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận người bệnh T.V.N (67 tuổi ở Thanh Ba – Phú Thọ) với bàn chân trái đã bị cắt cụt nhưng hoại tử cẳng chân vẫn đang tiến triển. Được biết, từ 8 tháng trước, người bệnh có dấu hiệu bị đau chân sau đó thâm đen một ngón ở bàn chân trái.

 

 

Khoa Phẫu thuật tim mạch – Lồng ngực Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận người bệnh T.V.N (67 tuổi ở Thanh Ba – Phú Thọ) với bàn chân trái đã bị cắt cụt nhưng hoại tử cẳng chân vẫn đang tiến triển.

 

Hình ảnh hoại tử chân của người đàn ông.

 

Theo lời kể của vợ người bệnh, từ 8 tháng trước, người bệnh có dấu hiệu bị đau chân sau đó thâm đen một ngón ở bàn chân trái. Người đàn ông có đi điều trị ở nhiều nơi, phải cắt dần 1 ngón chân sau đó cắt cả bàn chân bên trái do ngón chân và bàn chân bị hoại tử. Tuy nhiên, sau khi cắt đi bàn chân tình trạng hoại tử vẫn tiếp tục tiến triển, người bệnh đã được đưa đến bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Người bệnh đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng bàn chân trái đã bị cắt cụt, toàn bộ chân trái từ khoeo chân trở xuống lạnh, tím, mỏm cụt bàn chân hoại tử, chảy dịch.

 

Qua thăm khám và chụp dựng hình hệ mạch máu chi dưới, kết quả cho thấy ở bên phải mạch máu xơ vữa, vôi hóa gây hẹp rải rác lòng mạch; bên trái thấy tắc hoàn toàn động mạch chậu ngoài, động mạch đùi nông, máu lưu thông động mạch đoạn dưới gối rất kém. Đây là nguyên nhân gây nên hoại tử ngón chân, bàn chân và tình trạng hoại tử vẫn tiếp tục tiến triển mặc dù người bệnh đã được cắt cụt bàn chân.

Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị thiếu máu mạn tính chi dưới trái giai đoạn trầm trọng do tắc động mạch chậu ngoài, đùi nông/ hoại tử mỏm cụt chân trái. Đây là một tình trạng bệnh rất phức tạp, hoại tử lan dần lên do cẳng chân không được nuôi dưỡng và có nguy cơ phải cắt cụt lên cao trên đùi, thậm chí phải tháo khớp háng.

 

Khoa Phẫu thuật tim mạch – Lồng ngực Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ

 

Điều trị tối ưu đã được các bác sĩ thực hiện cho người bệnh là phẫu thuật bắc 2 cầu nối động mạch: từ động mạch chậu ngoài – động mạch đùi chung bằng mạch nhân tạo; từ động mạch đùi chung – động mạch khoeo, nhằm tái thông dòng chảy xuống dưới để nuôi dưỡng cẳng chân đến mỏm cụt.

Sau phẫu thuật chân người bệnh đỡ đau, kết quả chụp phim CT có dựng hình mạch máu chi dưới cho thấy: mạch máu được tái thông rất tốt đến tận mỏm cụt, tuy nhiên vẫn còn điểm hoại tử ở mỏm cụt bàn chân trái nên giai đoạn tiếp theo các bác sĩ vẫn còn phải phẫu thuật để cắt bỏ phần hoại tử.

 

BS Nội trú Dương Xuân Phương – Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch – Lồng ngực cho biết, động mạch đùi là mạch máu chính, có nhiệm vụ cung cấp máu cho 2 chân. Do quá trình mạch máu bị xơ vữa, làm lòng động mạch đùi sẽ dần bị thu hẹp, thậm chí tắc nghẽn, khiến lưu lượng máu xuống nuôi dưỡng cẳng chân, bàn chân bị giảm hoặc mất. Lúc này, người bệnh sẽ xuất hiện triệu chứng tê chân, đau nhức chân, chuột rút ở bắp chân khi đi lại, nặng hơn thì chân sẽ tím, lạnh, hoại tử.

Nếu không được phát hiện và điều trị sớm và đúng thì bệnh dễ dẫn tới biến chứng nguy hiểm như vết thương khó lành, hạn chế vận động, nặng hơn là hoại tử từ ngón chân lên bàn chân, lên cẳng chân, khi đó buộc phải cắt bỏ ngón chân, bàn chân hoặc cẳng chân như trường hợp người bệnh N.

Qua đây, bác sĩ khuyến cáo người dân khi có những biểu hiện như: đau chân, chuột rút thường xuyên khi đi lại, chân lạnh, tím nên đến bệnh viện có chuyên khoa tim mạch khám sớm để xác định nguyên nhân và có biện pháp điều trị kịp thời

Những người có các yếu tố nguy cơ bệnh lý động mạch chi dưới như thừa cân – béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường, tiền sử gia đình… nên khám tầm soát và phát hiện bệnh sớm, tránh bệnh tiến triển nặng gây biến chứng nghiêm trọng.

Maika (TH)

TIN TỨC Y KHOA

0886055166
0886055166