Đất rừng phương Nam: Sửa lời thoại liệu đã sửa hết được sai lệch lịch sử?

TTSK – Cục Điện ảnh vừa xem xong bản sửa lời thoại được gửi từ phía nhà sản xuất phim Đất rừng phương Nam. Theo lãnh đạo Cục Điện ảnh, bản phim sửa lời thoại đã hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu tránh gây hiểu nhầm, liên tưởng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến trái chiều cho rằng sửa lời thoại nhưng không sửa hết sự sai lệch về lịch sử.?.

 

 

Sự cầu thị của nhà sản xuất?

Trước đó, giữa những thông tin ồn ào, nhà sản xuất chủ động đề xuất chỉnh sửa một số lời thoại gây hiểu lầm về Nghĩa Hòa Đoàn, Thiên Địa Hội trong Đất rừng phương Nam. Bộ phim thay vì lịch chiếu ấn định ngày 20/10 cũng bất ngờ được nhà sản xuất quyết định đẩy lịch chiếu sớm lên từ hôm nay (16/10).

 

Đất rừng phương Nam – Bộ phim điện ảnh đang gây tranh cãi

Phía đoàn phim cho biết, nhằm hoàn thiện và đem đến trải nghiệm tốt nhất cho người xem về bộ phim Đất rừng phương Nam, phần thoại trong phim sẽ chuyển từ Nghĩa Hoà Đoàn thành Nam Hoà Đoàn; từ Thiên Địa Hội thành Chính Nghĩa Hội. Sự thay đổi này nhằm tránh sự liên tưởng.

Sáng 16.10, trả lời báo chí về việc nhà sản xuất phim vẫn đẩy lịch chiếu Đất rừng phương Nam sớm hơn trong quá trình chỉnh sửa thoại phim, Cục trưởng Vi Kiến Thành cho biết, trong cuộc họp ngày 14/10, Hội đồng thẩm định, phân loại phim và một số cơ quan, đơn vị chức năng đã thẩm định lại Đất rừng phương Nam theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VHTTDL. Theo đó, Hội đồng khẳng định bộ phim không vi phạm Luật Điện ảnh. Điều này cũng đồng nhất với quyết định của Hội đồng ngày 29/9.

Lời thoại không khắc phục hết sạn của phim

Tuy nhiên, nhà sản xuất chủ động đề xuất điều chỉnh một số lời thoại để tránh gây hiểu nhầm, liên tưởng. Những hoạt động và lời thoại nhắc đến Nghĩa Hòa Đoàn và Thiên Địa Hội theo lý giải của nhà làm phim là hội nhóm tập hợp bởi một số người dân lao động sinh sống chủ yếu ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Xuyên, không liên quan đến phong trào có nguồn gốc tại Trung Quốc.

Thiên Địa Hội cũng như Nghĩa Hòa Đoàn trong phim Đất rừng phương Nam chỉ được những người dân yêu nước ở Nam Kỳ lúc đó mượn tên gọi để hoạt động độc lập ở Việt Nam. Vì thế, nhà sản xuất đề xuất chỉnh sửa thành Chính Nghĩa Hội, Nam Hòa Đoàn. Cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng đó là thiện chí của nhà làm phim.

 

Trang phục, hóa thân của nhân vật như phim Trung Quốc

Nhà sản xuất cũng đưa dòng chữ “Bộ phim lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi” lên ngay đầu phim, nhằm làm rõ về sự thay đổi mốc thời gian so với tác phẩm văn học.

Tác phẩm của nhà văn Đoàn Giỏi lấy dấu mốc Nam Bộ năm 1945, tuy nhiên bộ phim lấy cảm hứng từ tiểu thuyết đã lựa chọn mốc thời gian sớm hơn, khoảng 1920-1930. Thời kỳ này các tổ chức yêu nước ở Nam Bộ còn rời rạc, chưa có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Câu chuyện của bé An được xây dựng đậm chất phiêu lưu hơn, gắn với những nhân vật mang màu sắc kiếm hiệp như Út Lục Lâm, Võ Tòng…/.

 

 

Đánh giá của chuyên gia

Ngay sau khi “Đất rừng phương Nam” ra rạp, nhiều khán giả khen ngợi phim: “Phim quá đẹp, nội dung không như bản truyền hình nhưng giải trí vừa đủ”; “Tôi quá xúc động khi nhạc phim vang lên, mọi người xem xong không về mà ở lại vỗ tay, hát theo nhạc phim”; “Tôi nghĩ phim giải trí tốt, diễn viên diễn xuất cũng tốt”…
Bên cạnh đó, một số người cho rằng tác phẩm đã xuyên tạc lịch sử khi đề cao vị thế Thiên Địa Hội, trang phục của người Hoa, không phải của người miền Nam ngày xưa. Họ nhận định: “Phim đề cao Thiên Địa Hội và Nghĩa Hòa Đoàn, hạ thấp vai trò Việt Minh, xuyên tạc lịch sử”; “Tôi đề nghị hội đồng kiểm duyệt xem xét cấm chiếu phim này”; “Phim lật sử mà cũng được duyệt, đổi tên thành Đất rừng Trung Hoa”
Nhiều ý kiến cho rằng “Đất rùng phương Nam” đã làm sai lệch lịch sử
Tiến sĩ Hà Thanh Vân viết bài dài trên trang mạng xã hội Facebook, có đoạn trích: “Thật ra bộ phim với chuyện lấy “Thiên Địa Hội” làm chủ đạo thế này thì đã thoát ly xa khỏi nguyên tác. Vậy cách tốt nhất để cho dư luận khỏi chỉ trích là đổi tên phim thành “Thiên Địa Hội ở Nam Kỳ”, vì bé An trong phim cũng có đất diễn mấy đâu, toàn thấy là Út Lục Lâm (Tuấn Trần đóng) hay anh Tiều (Tiến Luật đóng) đi mãi võ.

Nhưng cũng nên lưu ý là gọi anh Tiều có ý bảo là anh ấy người Tiều (Triều) Châu. Thưa rằng các gánh “Sơn Đông mãi võ” thì đều là người Sơn Đông nên mới chết danh và cụ Nguyễn Hiến Lê có viết điều này rất rõ.

Thế thì, sau khi xem phim xong, tôi nghĩ là đổi tên phim là tốt nhất, khỏi chê trách, so sánh gì với nguyên tác “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi. Tên phim là “Thiên Địa Hội ở Nam Kỳ”.

 

 

Trước sự chỉ trích này, nhiều người trong giới lẫn một số khán giả cho rằng phim điện ảnh là tác phẩm hư cấu, không phải tư liệu lịch sử, không thể xem như phim tài liệu để soi mói từng chi tiết.

Ngay từ ban đầu, nhà làm phim đã nói rõ phim chỉ lấy cảm hứng câu chuyện bé An đi tìm cha trải dài khắp vùng đất phương Nam và gặp được những con người hào sảng của vùng đất này, không chuyển thể theo đúng nguyên tác.

 

 

Lấy nội dung từ tác phẩm văn học nổi tiếng nhưng lái người xem không gắn với lịch sử?

Nhà thơ, nhà phê bình phim Nguyễn Phong Việt nhìn nhận: “Tôi tin đây là một bộ phim có rất nhiều cảnh quay đẹp và tạo được cảm xúc với phần đông khán giả Việt Nam ra rạp để xem một bộ phim giải trí. Ngoài ra, thông qua bộ phim này, tôi còn nhìn thấy miền Tây sẽ là một điểm đến du lịch rất tiềm năng khi khán giả xem phim và mong muốn đến với những bối cảnh mà bộ phim đã quay, đó là một thành công không dễ với một phim điện ảnh Việt Nam lúc này.

Vì đây là một phim lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học nổi tiếng. Do đó, những tranh cãi về chi tiết lịch sử, cũng như sự xuất hiện của các nhân vật như thế nào so với nguyên tác rõ ràng đang tạo ra một cuộc tranh cãi cần thiết.

Tranh cãi vì làm sai lệch lịch sử nên đổi tên phim

 

Ở góc độ một người đọc tác phẩm và một người xem phim, tôi cũng đồng ý là có những thứ hoàn toàn không có trong tác phẩm văn học, cũng như nếu so với bối cảnh lịch sử thì có nhiều chi tiết trong phim cũng không hợp lý.

 

Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng đây là một phim giải trí không phải là phim lịch sử, việc ê-kíp hư cấu để tạo ra kịch tính cho câu chuyện là có thể hiểu được. Vấn đề quan trọng là cách chúng ta hư cấu có tạo ra sự đồng thuận với cảm xúc khán giả có hiểu biết về lịch sử vùng đất, hay là chúng ta đi ngược lại với những gì thuộc về lịch sử của vùng đất đó. 

Do đó, chúng ta không cần quá soi xét, nhất là khi đây cũng không phải là một phim lịch sử. Chưa kể về mặt tư liệu lịch sử, tôi cho rằng chúng ta cũng chưa có một hệ thống quy chuẩn nhất định về trang phục của các thời kỳ một cách tường minh, để từ đó dựa vào đó mà soi chiếu với phục trang của các nhân vật trong phim”.

Đất rừng phương Nam dù có thành công về phòng vé nhưng đây vẫn là tác phẩm điện ảnh còn có quá nhiều vấn đề. Công chúng nhìn nhận dưới góc độ lịch sử thì không ổn, góc độ giải trí cũng ở mức tầm tầm chưa xứng để mua xuất vé cao tiền như thế.

Ms Tiên (TH)

0886055166
0886055166