TTSK
– Nếu có ước mơ con bạn trở thành một thiên tài, điều tất yếu bạn phải làm là luyện cho trẻ tư duy phản biện ngay từ khi trẻ bắt đầu biết nói và đọc. Tư duy phản biện là một tư duy cần thiết để trẻ có thể phân tích và đưa ra những quyết định đúng đắn nhất.
-
3 nguyên nhân lý giải tại sao trong một gia đình lại có đứa con hư và đứa con ngoan?
-
Hành động “khôn vặt” ngay trước mặt con mình người mẹ bị chỉ trích dữ dội
Trong thời đại công nghệ thông tin, các tin giả, dữ liệu trái chiều và những thông tin sai lệch cần được xử lý mỗi ngày. Với bối cảnh đó, tư duy phản biện là cách duy nhất để hiểu về thế giới này. Tư duy phản biện được xem là một khía cạnh quan trọng của bất kỳ nghề nghiệp nào, nhằm suy luận một cách khách quan các sự kiện mà không mang tính thiên vị, giải quyết các thách thức một cách sáng tạo và đưa ra các câu trả lời thực tế.
Ngày nay trẻ em tiếp nhận nhiều thông tin từ các nguồn khác nhau, hơn thời bố mẹ chúng. Bởi thế chúng cần phải biết đánh giá những gì chúng nghe được và nhìn thấy để có quan điểm niềm tin đúng đắn của mình. Thế nên ở thời đại này, trẻ cần có tư duy phản biện mới có thể có cái nhìn sâu sắc và quyết định đúng đắn về các vấn đề diễn ra xung quanh. Khi xã hội càng nhiều thông tin, càng nhiễu loạn thì con trẻ càng cần biết phản biện. Bất kể bọn trẻ muốn làm gì thì cần suy nghĩ chín chắn để đưa ra quyết định. Tư duy phản biện giúp trẻ thành công trong học tập công việc cũng như trong các mối quan hệ.
Làm sao để con phát triển tư duy phản biện?
Một số chuyên gia khuyên bạn nên thực hành cùng với con những điều sau sẽ giúp hình thành tư duy phản biện tốt hơn cho trẻ
1- Hãy đặt nhiều câu hỏi trước khi đưa ra quyết định
Bạn hãy tạo cho con thói quen đặt câu hỏi trước một vấn đề gì đó. Ví dụ khi đưa con đi mua một chiếc ti vi, một bộ quần áo… hãy đặt nhiều câu hỏi trước mặt con. Bạn đặt câu hỏi với người bán. Thậm chí có thể quay sang hỏi ý kiến xoay quanh món đồ, xoay quanh thông tin mà người bán đưa ra. Cách làm này dần tạo cho bé thói quen đặt câu hỏi đa chiều trước khi quyết định.
2- Hỏi ý kiến trẻ về một vấn đề mình đang quan tâm
Khi thấy con có quyết định một việc gì đó, ví dụ vì sao con mặc bộ này không phải bộ kia, hãy đặt câu hỏi cho con. Khi con đưa thông tin, bạn có thể hỏi thêm. Điều đó tập cho bé nhìn nhận lại chính lựa chọn của mình. Đặt câu hỏi này sẽ khuyến khích trẻ xem xét lý do đưa ra quyết định. Điều này không khiến con hoài nghi mà dạy chúng cách xử lý thông tin. Con cũng có ý thức về suy nghĩ của chính mình, biết cân nhắc để đưa ra quyết định có lợi.
3- Tạo cơ hội phát triển tư duy phản biện
Hãy tạo cơ hội cho con nhìn sự vật sự việc theo nhiều cách khác nhau. Tạo ra các cuộc vui chơi, cho con vừa học vừa chơi để giúp trẻ nhìn nhận vấn đề theo nhiều hướng. Bạn có thể cho con chơi xếp hình, nấu ăn, những đồ chơi có tài nguyên đa dạng để trẻ chọn lựa. Ví dụ, khi chơi xếp hình, trẻ buộc phải nghĩ, làm thế nào để xếp các khối thành hình hay có bao nhiêu cách để xếp hình chúng muốn. Thông qua việc chơi xếp hình, trẻ sẽ phải phân tích đa chiều và tự tay thực hiện những suy nghĩ của chúng, góp phần hình thành tư duy phản biện.
4- Nói với con về những mẫu quảng cáo
Nhiều trẻ rất thích xem quảng cáo. Bạn hãy nói với trẻ về đoạn quảng cáo đó, con suy nghĩ gì về điều đó. Hãy xem con bạn tin hoàn toàn vào quảng cáo không? Sau đó hãy đặt những câu hỏi, thậm chí khơi gợi cho trẻ phản biện lại thông tin trong quảng cáo, hoài nghi sự phóng đại trong đó.
5- Cho trẻ thời gian suy nghĩ
Khi yêu cầu trẻ thực hiện nhiệm vụ bất kỳ hoặc trả lời câu hỏi, đừng bắt chúng đưa ra đáp án ngay lập tức. Thay vào đó, hãy cho trẻ thời gian suy nghĩ. Thời gian suy nghĩ rất quan trọng vì trẻ cần nó để cân nhắc trước hàng loạt câu trả lời hoặc cách thức thực hiện nhiệm vụ. Chúng sẽ phải lựa chọn đáp án phù hợp nhất sau khi phân tích mọi mặt của các đáp án.
6- Khuyến khích tư duy cởi mở
Hãy dạy con bạn cách để nhìn mọi thứ với tinh thần cởi mở, dạy con cách gạt bỏ những đánh giá và giả định của riêng mình về một vấn đề một sự kiện nào đó. Hãy nói với con về sự đa dạng của thế giới. Ví dụ khi gặp một trường hợp người khuyết tật đặc biệt, hãy cho con biết rằng thế giới là sự đa dạng, đừng kỳ thị định kiến… Khi thấy một người ăn theo cách mà con cảm thấy ngạc nhiên, hãy nói họ cũng thấy ngon như cách con ăn, bởi mỗi cá thể là một sự khác biệt, không có đúng sai ở đó.
7- Khuyến khích trẻ phát triển giả thuyết
Trong khi chơi hoặc trò chuyện, cha mẹ có thể hướng dẫn con hình thành các giải thuyết khác nhau. Việc phát triển giả thuyết giúp con người có thể tiên lượng một vấn đề bằng nhiều cách, từ đó hình thành các hướng giải quyết. Vậy nên, khi vấn đề thực sự xảy ra, chúng ta sẽ không bị bối rối. Ví dụ, hãy hỏi trẻ: “Nếu chúng ta làm điều này, theo con điều gì sẽ xảy ra?” hoặc “Con hãy thử dự đoán những gì xảy ra tiếp theo?”.
8- Khuyến khích trẻ suy nghĩ theo cách mới
Đừng bao giờ ép buộc trẻ phải đúng như người này người kia, như bài học này học kia trong sách. Khi con đưa ra những góc nhìn khác thường đừng cho rằng con mình bất thường dị biệt, không thông minh. Đôi khi ý nghĩ đó hài hước kỳ quặc nhưng đó chính là một cách mới. Bằng cách khuyến khích trẻ suy nghĩ khác biệt, bạn sẽ giúp chúng trau dồi kỹ năng tư duy phản biện và khả năng sáng tạo. Hãy đặt những câu hỏi như “Chúng ta có thể thử những ý tưởng nào khác?” hoặc khuyến khích con bạn tạo ra các lựa chọn bằng cách nói “Con hãy nghĩ về tất cả giải pháp có thể”.
Một tư duy phản biện là để tìm ra mọi khía cạnh sâu sắc nhất của vấn đề. Khi con bạn có tư duy phản biện chúng sẽ biết phân tích hoài nghi với một sự việc và nhất là khi đối diện với lời dụ dỗ, sự lừa gạt… Tư duy phản biện chính là một cách để đưa ra quyết định một cách tốt hơn sau khi đã nhìn nhận vấn đề ở nhiều góc độ.
Thủy Tiên (TH)