TTSK
– Theo nghiên cứu khoa học, Ăn tối muộn, lướt điện thoại, vừa ‘cày phim’ vừa ăn vặt có thể khiến bạn bị tích mỡ bụng nhiều hơn, tăng cân lúc nào không biết.
1. Uống sữa trước khi ngủ
Một số người có thói quen uống sữa ấm trước khi ngủ để thư giãn, dễ đi vào giấc ngủ hơn do sữa chứa tryptophan. Tuy nhiên, lượng calo từ một cốc sữa không thực sự lý tưởng cho công cuộc duy trì eo thon. Chuyên gia dinh dưỡng Tammy và Lyssie của The Nutrition Twins nói: “Nếu đây là thói quen hàng đêm của bạn và bạn không thay đổi gì về chế độ ăn trong ngày, bạn có thể sẽ tăng 5,5 kg sau 6 tháng và bụng là một trong những nơi dễ nhìn thấy điều đó nhất. Ngay cả khi chọn sữa tách béo, bạn vẫn có thể tăng khoảng ba kg sau 6 tháng”.
2. Lướt điện thoại trước khi ngủ
Ánh sáng xanh phát ra từ điện thoại di động, máy tính ức chế melatonin, làm gián đoạn nhịp sinh học cũng như giấc ngủ, khiến não bộ cần năng lượng và thèm đường, dễ dẫn dến tiêu thụ nhiều thực phẩm ngọt hơn. Khi không ngủ đủ giấc, các hormone cũng bị ảnh hưởng, khiến trao đổi chất gặp khó khăn và dễ tích mỡ hơn.
3. Uống cà phê
Tiêu thụ một tách cà phê có lượng caffeine cao trong ngày hoặc vào chiều tối có thể làm bạn mất ngủ, trằn trọc. Nghiên cứu đã chỉ ra tiêu thụ caffeine 6 giờ trước khi ngủ có thể đảo tung mọi thứ bao gồm tàn phá giấc ngủ, tăng nồng độ hormone ghrelin khiến bạn thấy đói, thèm ăn nhiều hơn nhu cầu thật sự.
4. Ăn vặt khi xem TV
Thói quen xem TV, “cày phim” trước khi ngủ không xấu nhưng bạn cần đặt ra những quy tắc, giới hạn nhất định. Bạn có thể say mê bộ phim đang xem dở đến mức quên giờ đi ngủ, sau đó sẽ thức khuya, thiếu ngủ và có xu hướng thèm ăn đêm. Bên cạnh đó, vừa ăn vặt vừa xem chương trình mình yêu thích lâu dần hình thành thói quen xấu, khiến bạn muốn ăn nhiều hơn, gây tăng cân, tích mỡ lúc nào không hay.
5. Ăn sát giờ ngủ
Theo Nutrition Twins, ăn sát giờ đi ngủ là điều tối kỵ. Lý tưởng nhất là bạn nên ăn bữa cuối cùng trong ngày khoảng ba giờ trở lên trước khi đi ngủ. “Nếu có thức ăn cần được tiêu hóa trong ruột, cơ thể sẽ ưu tiên chức năng đó hơn việc tái tạo, phục hồi tổn thương. Thông thường khi bạn ngủ, cơ thể sẽ dùng năng lượng để phục hồi và sửa chữa các tế bào tổn thương. Tuy nhiên lúc này, những calo đó không được sử dụng đúng mục đích và chúng có thể dẫn đến tình trạng tích mỡ bụng”, nhóm chuyên gia cho biết.
Nghiên cứu chỉ ra ăn các bữa quá muộn cũng làm rối loạn nhịp sinh học, ảnh hưởng đến đường huyết và quá trình chuyển hóa chất béo. Ăn sát giờ ngủ có thể gây khó ngủ và gia tăng xu hướng thèm ăn, khó kiểm soát việc ăn uống hơn vào hôm sau.
Theo Eat This, Not That