TTSK
– Thẻ căn cước/Căn cước công dân là một giấy tờ quan trọng của công dân Việt Nam. Hiện nay, phẫu thuật thẩm mỹ có thể giúp con người chỉnh sửa ngoại hình như mong muốn. Liệu sau khi phẫu thuật thẩm mỹ, người dân có cần làm lại giấy tờ này?
Sau khi phẫu thuật thẩm mỹ, người dân có cần làm lại căn cước công dân?
Trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, hiện nay, ngành phẫu thuật thẩm mỹ đang ngày càng phát triển nhằm đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người dân. Không chỉ phụ nữ mà ngay cả nam giới, cũng không giới hạn ở người trẻ tuổi mà kể cả những người trung tuổi cũng đi phẫu thuật thẩm mỹ. Nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ hiện nay cũng không dừng ở những sửa chữa nhỏ, tinh tế và kín đáo nữa mà còn thay đổi nhiều hơn, thậm chí có thể thay đổi toàn bộ khuôn mặt.
Tuy nhiên, cùng với sự phổ biến và hưởng ứng của nhiều người với phẫu thuật thẩm mỹ cũng làm nảy sinh một vấn đề đó là: Sau khi phẫu thuật thẩm mỹ, liệu người dân có cần làm lại các loại giấy tờ tùy thân quan trọng như thẻ căn cước công dân gắn chip, hộ chiếu hay không?
Về vấn đề này được quy định tại Khoản 1, Điều 23 thuộc Luật Căn cước công dân 2016 quy định thẻ căn cước công dân sẽ được đổi trong các trường hợp sau:
– Thẻ căn cước công dân phải được đổi khi các công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
– Thẻ bị hư hỏng và không sử dụng được;
– Thay đổi các thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng;
– Xác định lại giới tính và quê quán;
– Có sai sót về các thông tin trên thẻ Căn cước công dân;
Như vậy, theo quy định trên, thay đổi đặc điểm nhân dạng cũng là một trong những trường hợp cần phải đổi lại căn cước công dân. “Nhận dạng” ở đây được hiểu là đặc điểm cá biệt và ổn định ở bên ngoài của một người để có thể phân biệt người này với người khác.
Do đó, nếu phẫu thuật thẩm mỹ mà làm thay đổi đặc điểm nhân dạng, có thể khiến người xung quanh không thể dễ dàng nhận ra được gương mặt trước và sau phẫu thuật là cùng một người thì sẽ phải thực hiện đổi, cấp lại căn cước công dân.
Trong khi đó, với hộ chiếu hoặc giấy phép lái xe thì pháp luật sẽ không quy định cụ thể về các trường hợp thay đổi các đặc điểm nhận dạng đến mức độ nào thì cần phải làm lại hộ chiếu, bằng lái xe.
Tuy nhiên, nếu bạn đã tiến hành làm lại căn cước công dân thì cũng nên làm lại luôn hộ chiếu và giấy phép lái xe để có thể đồng bộ, tránh tình trạng ảnh trên 3 mẫu giấy tờ tuỳ thân của mình lại khác nhau. Từ đó, dễ dẫn đến phát sinh nhiều rắc rối trong cuộc sống cũng như trong công việc.
Làm căn cước công dân cần những giấy tờ gì theo quy định hiện hành?
Dù không có quy định chính xác khi công dân đi làm căn cước công dân cần giấy tờ gì nhưng áp dụng Thông tư số 59/2021/TT-BCA có thể giải đáp cho câu hỏi “Làm căn cước công dân cần giấy tờ gì?” cụ thể như sau:
– Trường hợp khi kiểm tra các thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hiện đã đầy đủ thông tin thì công dân chỉ cần mang theo CCCD/CMND cũ nếu muốn đổi hoặc cấp lại thẻ Căn cước công dân.
– Trường hợp khi kiểm tra các thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mà thấy thông tin của công dân chưa có hoặc có sai sót thì công dân đó cần mang theo giấy tờ hợp pháp để có thể chứng minh nội dung thông tin khi đi đến cơ quan Công an nơi tiếp nhận để đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.
Maika (TH)