Những dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết nặng nguy hiểm cần nhập viện ngay

TTSK – Sốt xuất huyết là một loại bệnh dịch nguy hiểm, đặc biệt là trẻ em mà không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Các dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết nặng thường bắt đầu xuất hiện từ 3 – 7 ngày sau khi khởi phát bệnh. Những triệu chứng cảnh báo sốt xuất huyết nặng dưới đây có thể giúp bạn nhận biết và đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế kịp thời.

 

Sốt xuất huyết là một loại bệnh dịch nguy hiểm, nếu muỗi truyền bệnh càng nhiều, tốc độ lây lan bệnh càng nhanh, nếu người dân chưa có miễn dịch chống sốt xuất huyết. Nếu bị sốt xuất huyết, đặc biệt là trẻ em mà không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Thông thường từ ngày thứ 3 bệnh sốt xuất huyết có tiến triển nặng, nhất là trẻ em.

Sốt xuất huyết thường có sốt cao liên tục 3 – 4 ngày, ho, sổ mũi, đau nhức mình mẩy, đau nhức hố mắt, nôn và có thể tiêu chảy. Sốt trong bệnh sốt xuất huyết khó giảm với thuốc hạ sốt paracetamol trong 3 ngày đầu và khi sốt bắt đầu giảm sẽ bắt đầu xuất huyết, biểu hiện như da sung huyết (da đỏ ửng, môi khô đỏ tươi… do hiện tượng cô đặc máu), có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam, mắt đỏ và hay kèm nôn, chân tay lạnh. 

Thông thường từ ngày thứ 3, bệnh có tiến triển nặng, nhất là trẻ em, vì vậy, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời sẽ có nguy cơ diễn biến xấu bởi sốc hoặc do tổn thương các cơ quan khác.

Dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết nặng

Sốt xuất huyết nặng là một tình trạng bệnh nghiêm trọng có thể dẫn đến sốc sốt xuất huyết, xuất huyết nội tạng và thậm chí tử vong. Nhiễm các loại huyết thanh khác nhau của virus làm tăng nguy cơ phát triển sốt xuất huyết nặng.

Sốt xuất huyết nặng là một tình trạng bệnh nghiêm trọng có thể dẫn đến sốc sốt xuất huyết

Các dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết nặng thường bắt đầu xuất hiện từ 3 – 7 ngày sau khi khởi phát bệnh. Nếu bệnh nhân có sốt kèm bất kỳ triệu chứng nào sau đây, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và theo dõi kịp thời:

– Đau bụng dữ dội hoặc đau cơ

– Nôn mửa liên tục (ít nhất 3 lần trong vòng 1 giờ)

– Chảy máu mũi hoặc chảy máu chân răng

– Nôn ra máu, hoặc có máu trong phân

– Thở nhanh, khó thở

– Cảm thấy mệt mỏi nhiều, vật vã, lừ đừ, li bì

Sốt xuất huyết biến chứng có nguy cơ gây tử vong là do:

– Thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (gây tụt huyết áp).

– Tràn dịch đa màng : màng bụng, màng phổi, tim,…;

– Suy hô hấp cấp do dịch màng phổi, mô kẽ.

– Xuất huyết nghiêm trọng : chảy máu mũi không cầm, xuất huyết âm đạo, xuất huyết trong cơ và phần mềm; xuất huyết tiêu hóa và nội tạng (phổi, não, gan, lách, thận).

– Suy đa phủ tạng : tim, gan, thận, rối loạn tri giác do xuất huyết não,….

Phòng, chống sốt xuất huyết bằng cách nào?

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, mọi người dân mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết như sau:

1. Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.

2. Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh…

3. Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.

4. Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi… để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.

5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Theo SKĐS

TIN TỨC Y KHOA

0886055166
0886055166