TTSK
– Giấc ngủ gián đoạn hoặc thiếu ngủ mạn tính ảnh hưởng tới tim dẫn đến khả năng bị đau tim, các bệnh tăng huyết áp, cholesterol cao, đau tim, béo phì, tiểu đường và đột quỵ.
Tin nóng:
TPHCM điều tra vụ bé trai bị hành hạ, ép sử dụng ma túy
Giấc ngủ là thời gian nghỉ ngơi cần thiết để cơ thể phục hồi. Tuy nhiên, nhiều người lại rơi vào tình trạng mất ngủ, khiến cơ thể không được nghỉ ngơi, dẫn tới nhiều bệnh.
Dựa vào thiết bị chuyên biệt để ghi lại hoạt động điện của não bộ trong giấc ngủ, các nhà khoa học đã phân tích cấu trúc sinh lý giấc ngủ:
Giấc ngủ bình thường có 2 chu kỳ: NREM (Non Rapid Eye Movement) giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh và REM (Rapid Eye Movement) giấc ngủ có chuyển động mắt nhanh.
Trong đó, chu kỳ NREM chia thành 4 giai đoạn, chu kỳ REM xen kẽ giữa các giai đoạn của NREM.
Mất ngủ gây nhiều hệ lụy nguy hiểm cho sức khỏe và ảnh hưởng đến tim
– Giai đoạn 1:
Ngủ nhẹ, trạng thái lơ mơ, thiu thiu, không sâu, nhịp thở chậm, nhịp tim đều, huyết áp giảm, nhiệt độ não giảm, mắt chuyển động chậm dần, dòng máu đến não giảm, sóng điện não chậm, biên độ nhỏ và ít đều đặn. Người ngủ dễ tỉnh và có thể không ngủ lại được.
– Giai đoạn 2:
Ngủ nhẹ hơn, chức năng cơ thể giảm, sóng điện não chậm lại, có biên độ lớn hơn và thỉnh thoảng có sự bùng phát của các sóng nhanh, mắt không động đậy, nhịp tim, nhịp thở đều đặn chậm lại. Người ngủ vẫn có thể tỉnh giấc bởi các âm thanh.
– Giai đoạn 3:
Ngủ sâu, khó bị đánh thức. Sóng điện não chậm 1 nhịp/ 1 giây, biên độ lớn. Giai đoạn này bắt đầu ngủ sâu xuất hiện sau 30 – 40 phút tính từ khi lơ mơ ngủ. Giai đoạn 3 kéo dài hơn ở thanh niên và ngắn đi ở người già.
– Giai đoạn 4:
Ngủ sâu nhất, sóng não đồ là sóng delta, biên độ lớn, tần suất chậm, có sóng nhọn. Thời điểm này người bệnh trải qua tiến trình quên lãng. Nếu người ngủ bị mộng du hoặc tiểu dầm sẽ diễn ra trong giai đoạn này.
Giai đoạn 3, 4 ngủ sâu và ngon nhất. Khi bị đánh thức lúc này người ngủ sẽ bị mất phương hướng và những suy nghĩ tan rã.
Trong giai đoạn ngủ NREM nhịp tim chậm lại, huyết áp giảm và nhịp thở ổn định. Những thay đổi này làm giảm căng thẳng cho tim, cho phép tim phục hồi sau các căng thẳng xảy ra trong ngày.
Giấc ngủ bình thường có 2 chu kỳ (ảnh SKĐS)
Giấc ngủ REM
Sau khi pha ngủ sâu kết thúc, người ngủ quay lại giai đoạn 2 và đi vào trạng thái REM. Giai đoạn ngủ REM sẽ xuất hiện trong khoảng 70-90 phút sau khi ngủ. Thời lượng REM sẽ dài hơn vào ban đêm và gần sáng. REM chính là chu kỳ mà các giấc mơ xuất hiện.
Giai đoạn này người ngủ có cằm thả lỏng nhưng mặt, các ngón tay, ngón chân lại xoắn vặn. Sóng điện não nhỏ và không đều đặn với hàng loạt các chuyển động mắt. Nhiều trường hợp sóng não đồ giống hệt như lúc thức. Các hoạt động cơ thể tăng lên: huyết áp dao động có thể tăng đáng kể, mạch tăng không đều và người ngủ phải đối mặt với những vấn đề về tim mạch và có nguy cơ cao của cơn đau thắt ngực. Thở không đều và tăng mức tiêu thụ oxy.
Thiếu ngủ mạn tính ảnh hưởng đến sức khỏe?
Thiếu ngủ mạn tính ảnh hưởng đến tim dẫn đến các bệnh: tăng huyết áp, cholesterol cao, đau tim, béo phì, tiểu đường và đột quỵ. Giấc ngủ gián đoạn cũng liên quan đến khả năng bị đau tim. Bởi vì cả nhịp tim và huyết áp có thể tăng đột ngột khi thức dậy, giấc ngủ bị gián đoạn thường xuyên có thể gây căng thẳng cho tim và gây ra cơn đau tim.
Theo TS. Shuai Yuan thuộc Viện Karolinska ở Stockholm – Thụy Điển “Ngủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi đêm là thói quen tốt giúp giảm nguy cơ mắc bệnh động mạch ngoại biên”.
Một nghiên cứu được thực hiện với sự tham gia của 650.000 người trưởng thành, từ việc theo dõi mối liên hệ giữa thời gian ngủ mỗi đêm của người tham gia nghiên cứu với tỷ lệ mắc bệnh. Kết quả những người ngủ ít hơn 5 tiếng mỗi đêm có nguy cơ mắc bệnh động mạch ngoại biên cao hơn so với người ngủ đủ giấc.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, bệnh động mạch ngoại biên góp phần tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ, đặc biệt với đối tượng nguy cơ cao như hút thuốc, tiểu đường, tăng huyết áp, cholesterol cao. Cụ thể 25% người mắc bệnh động mạch ngoại biên có nguy cơ bị hẹp động mạch cảnh không triệu chứng cao hơn. Tỷ lệ người mắc bệnh động mạch ngoại biên bị bệnh mạch máu não cũng cao gấp 3-4 lần so với người không bị bệnh động mạch ngoại biên. Tỷ lệ đột quỵ ở người mắc bệnh động mạch ngoại biên dao động từ 2-5%.
1- Ảnh hưởng trên huyết áp
Huyết áp là áp lực cần thiết tác động lên thành động mạch để đưa máu từ tim đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Huyết áp được tạo ra do lực co bóp của cơ tim và sức cản của thành động mạch được đo bằng đơn vị mi-li-mét thủy ngân. Theo WHO, huyết áp trong giới hạn 120/80 mmHg là huyết áp tối ưu.
Người bình thường huyết áp ban ngày thường cao hơn ban đêm, huyết áp có xu hướng hạ xuống thấp nhất vào khoảng từ 1 – 3 giờ sáng là lúc ngủ say nhất, sẽ tăng cao nhất vào khoảng 8 – 10 giờ sáng. Khi vận động thể lực gắng sức, căng thẳng thần kinh, xúc động mạnh đều làm tăng huyết áp. Ngược lại khi cơ thể nghỉ ngơi, thư giãn, huyết áp sẽ hạ xuống.
Trong giấc ngủ bình thường khỏe mạnh huyết áp giảm khoảng 10-20%, điều này có lợi cho sức khỏe tim mạch. Giấc ngủ kém (do thiếu ngủ hay giấc ngủ bị gián đoạn) khiến huyết áp của một người không thể giảm vào ban đêm. Các nghiên cứu phát hiện ra rằng, huyết áp tăng cao vào ban đêm có liên quan đến tình trạng tăng huyết áp vào ban ngày, từ đó làm tăng nguy cơ đột quỵ và đau tim. Thiếu ngủ làm tăng huyết áp và huyết áp cao là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến đột quỵ.
Đột quỵ là tình trạng dòng máu lên não bị cắt đứt khiến các tế bào não bị chết do thiếu oxy. Đột quỵ do thiếu máu cục bộ xảy ra khi cục máu đông hoặc mảng bám hình thành trong lòng mạch máu gây tắc nghẽn mạch máu.
2- Ảnh hưởng đến hệ tim mạch
Thiếu ngủ và giấc ngủ gián đoạn tác động tiêu cực đến sức khỏe tim mạch.
– Bệnh mạch vành xảy ra khi mảng bám tích tụ trong động mạch gây xơ vữa động mạch, làm giảm khả năng nhận đủ máu và oxy của tim. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng thiếu ngủ gây xơ vữa động mạch, hình thành mảng bám và gây xơ cứng động mạch.
– Suy tim là tình trạng tim không bơm đủ máu để cung cấp cho cơ thể hoạt động. Một nghiên cứu quan sát trên 400.000 người đã tìm thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa các vấn đề về giấc ngủ và bệnh suy tim, cho thấy những người ngủ ít hơn 7 tiếng mỗi đêm có nguy cơ bị suy tim cao hơn.
– Đau tim (nhồi máu cơ tim) xảy ra khi dòng máu đến tim bị tắc nghẽn. Các cơn đau tim có thể gây tử vong do tổn thương xảy ra khi tim không nhận đủ oxy. Thiếu ngủ làm tăng nguy cơ đau tim. Theo một nghiên cứu khác, những người ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm có nguy cơ đau tim cao hơn người bình thường 20%.
Rèn luyện thói quen để có một giấc ngủ ngon
- Đi ngủ và thức dậy vào cùng một khung giờ kể cả cuối tuần.
- Tham gia các hoạt động thể chất trong ngày.
- Tránh xa các thiết bị điện tử trong vòng vài giờ trước khi đi ngủ.
- Không ăn uống trong vòng vài giờ trước khi đi ngủ.
- Tránh uống rượu và ăn thực phẩm giàu chất béo hoặc chứa nhiều đường.
- Giữ nhiệt độ phòng ngủ mát mẻ, đủ tối và đủ yên tĩnh.
Tóm lại, hiện tượng mất ngủ kéo dài đi kèm với những triệu chứng như mệt mỏi, cáu gắt,… được coi là bất thường. Nếu tình trạng này không được điều trị sớm sẽ gây ra ảnh hưởng tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Bên cạnh việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa thì nếu không may bị mất ngủ kéo dài, người bệnh cần tìm đến các cơ sở y tế để có lộ trình điều trị phù hợp.
Thủy Tiên (theo SKĐS)
Tin liên quan:
2 comments for "Mất ngủ: Hệ lụy nguy hiểm cho sức khỏe và gây nhiều bệnh nan y"
Comments are closed.