TTSK
– Người lớn mắc cúm A không chỉ đối diện với nhiều triệu chứng khó chịu mà còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì vậy, nhận diện đúng các dấu hiệu cúm A và hiểu rõ những triệu chứng nguy hiểm của cúm A ở người lớn là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe.
Cúm A là gì?
Cúm A (Influenza A) là bệnh nhiễm trùng cấp tính ảnh hưởng đến đường hô hấp, do virus cúm A gây ra. Virus cúm A (Influenza A virus) thuộc chi Alpha Influenza Virus, họ Orthomyxoviridae, là một loại virus RNA có vỏ bọc tiêu cực, có bộ gen phân đoạn.
Các chủng virus cúm A rất phổ biến, bao gồm A/H5N1, A/H1N1, A/H3N2 và A/H7N9. Trong đó, A/H5N1 và A/H7N9 là những chủng virus thường lưu hành ở gia cầm, có khả năng lây nhiễm sang người và tạo thành dịch bệnh. Những chủng virus này có thể gây ra những đợt bùng phát cúm nghiêm trọng, với nguy cơ lây lan nhanh trong cộng đồng, đặc biệt nếu không được kiểm soát kịp thời.
Lịch sử đã chứng kiến những đại dịch cúm A với những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Điển hình nhất là đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 đã cướp đi sinh mạng của hơn 50 triệu người, phần lớn do biến chứng viêm phổi. Trong đại dịch cúm A H1N1 vào năm 2009, tỷ lệ nhập viện do cúm gây ra đã lên tới 25 – 50%. Đáng lo ngại là trong số các trường hợp tử vong ở trẻ em liên quan đến cúm tại Mỹ năm 2004 – 2012, có đến 40% trường hợp nhiễm đồng thời cả cúm và vi khuẩn.
Triệu chứng cúm A ở người lớn
1. Dấu hiệu cúm A ở người lớn thường gặp
Cúm A ở người lớn thường có các triệu chứng khởi phát đột ngột và có thể gây cảm giác rất mệt mỏi. Những dấu hiệu bị cúm A phổ biến ở người lớn bao gồm:
- Sốt cao: Nhiệt độ cơ thể thường tăng trên 38°C, kèm theo ớn lạnh và cảm giác mệt mỏi.
- Đau đầu: Cảm giác đau nhức đầu dữ dội là một trong những triệu chứng dễ nhận biết của cúm A.
- Ho khan: Ho thường đi kèm với đau họng và có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi bệnh kéo dài.
- Đau cơ và khớp: Người bệnh có thể cảm thấy đau nhức khắp cơ thể, đặc biệt là ở lưng, vai và khớp.
- Mệt mỏi và suy nhược: Cảm giác mệt mỏi kéo dài, thiếu sức sống và mất năng lượng là triệu chứng điển hình của cúm A.
- Viêm họng và chảy nước mũi: Mũi bị tắc nghẽn, chảy nước mũi hoặc viêm họng có thể kèm theo ho và đau rát cổ họng.
- Buồn nôn hoặc tiêu chảy: Ít gặp hơn so với các triệu chứng cúm A ở người lớn trên nhưng một số người có thể gặp phải.
Các triệu chứng thường gặp ở cúm A có thể kéo dài từ vài ngày đến một tuần, tuy nhiên nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tính mạng người bệnh.
2. Triệu chứng cúm A nặng ở người lớn cần nhập viện ngay
Mặc dù đa số trường hợp cúm A ở người lớn có thể tự khỏi sau một thời gian, nhưng trong một số trường hợp bệnh có thể tiến triển nặng và gây ra những biến chứng nguy hiểm. Các triệu chứng cúm A ở người lớn nặng cần được đặc biệt chú ý bao gồm:
- Khó thở hoặc thở nhanh: Nếu người bệnh cảm thấy khó thở, thở nhanh hoặc nông, đây có thể là dấu hiệu của viêm phổi hoặc suy hô hấp, một biến chứng nguy hiểm của cúm A.
- Đau ngực dữ dội: Đau ngực, đặc biệt khi kết hợp với khó thở, có thể là dấu hiệu của viêm phổi hoặc các vấn đề tim mạch.
- Mạch đập nhanh hoặc bất thường: Nhịp tim tăng nhanh hoặc không đều có thể là dấu hiệu của các vấn đề tim mạch liên quan đến cúm A.
- Sốt cao kéo dài: Nếu sốt không giảm hoặc tăng cao trên 39°C trong nhiều ngày, có thể là dấu hiệu của một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng.
- Nôn mửa hoặc tiêu chảy kéo dài: Những triệu chứng này có thể xảy ra khi cúm A ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và đôi khi là dấu hiệu của cúm dạ dày (viêm dạ dày ruột).
Phòng ngừa cúm an toàn, hiệu quả cho người lớn bằng cách nào?
Cúm A ở người lớn là một bệnh truyền nhiễm thường gặp, đặc biệt trong mùa đông. Để bảo vệ khỏi căn bệnh này, cần kết hợp nhiều biện pháp phòng ngừa khác nhau. Cụ thể:
1. Vệ sinh cá nhân, môi trường sống
- Rửa tay thường xuyên: Đây là cách đơn giản nhưng hiệu quả nhất để ngăn ngừa sự lây lan của virus. Nên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi tiếp xúc với người bệnh.
- Che miệng khi ho hoặc hắt hơi: Sử dụng khăn giấy hoặc khuỷu tay để che miệng khi ho hoặc hắt hơi.
- Tránh chạm vào mắt, mũi, miệng: Vi khuẩn và virus dễ dàng xâm nhập vào cơ thể qua các bộ phận này.
- Vệ sinh nhà cửa: Lau chùi nhà cửa, đồ dùng cá nhân thường xuyên, đặc biệt là những bề mặt tiếp xúc nhiều như tay nắm cửa, công tắc đèn, bàn ghế, thiết bị di động…
2. Tiêm phòng cúm
Tiêm phòng cúm là cách phòng ngừa cúm A ở người lớn hiệu quả nhất. Vắc xin cúm giúp cơ thể tạo ra kháng thể chống lại virus cúm, giảm nguy cơ mắc bệnh và các biến chứng nghiêm trọng. Nên tiêm phòng cúm hàng năm, tốt nhất là trước mùa cúm để cơ thể có đủ thời gian tạo kháng thể để bảo vệ cơ thể tốt hơn.
Vắc xin phòng cúm được chỉ định chủng ngừa cho người lớn và trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn (đối với vắc xin cúm tứ giá của Pháp, Hà Lan và Hàn Quốc) và chỉ định tiêm cho người lớn từ 18 tuổi (đối với vắc xin cúm tam giá của Việt Nam).
Tăng cường sức đề kháng
- Dinh dưỡng hợp lý: Ăn uống đủ chất, đa dạng các loại thực phẩm, đặc biệt là rau xanh, trái cây để cung cấp vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
- Ngủ đủ giấc: Giấc ngủ giúp cơ thể phục hồi và tăng cường hệ miễn dịch.
- Tập thể dục đều đặn: Tập thể dục giúp tăng cường sức khỏe tổng thể và cải thiện hệ miễn dịch.
- Giảm stress: Căng thẳng kéo dài làm suy giảm hệ miễn dịch, vì vậy hãy tìm cách thư giãn và giảm stress.
Theo VNVC