TTSK
– Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus cúm A gây ra, có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, trong đó người lớn cũng dễ bị nhiễm. Virus cúm A có thể truyền trực tiếp từ người này sang người khác thông qua đường hô hấp. Khi người bệnh ho, nói chuyện hoặc hắt hơi, các hạt nước li ti chứa virus sẽ bắn ra ngoài và lơ lửng trong không khí. Những người khỏe mạnh hít phải các hạt nước này có thể bị lây nhiễm và gây ra bệnh cúm A.
Virus cúm A cũng có thể tồn tại trên các bề mặt như tay nắm cửa, bàn phím, điện thoại trong một thời gian nhất định. Khi người khỏe mạnh chạm vào các bề mặt này rồi đưa tay lên mũi, miệng hoặc mắt, họ có thể bị lây nhiễm. Ngoài ra, người lớn cũng có thể bị cúm A khi tiếp xúc với động vật nhiễm cúm A.
Đối tượng người lớn có nguy cơ cao mắc bệnh cúm A
Người lớn có nguy cơ cao mắc bệnh cúm A thường là những đối tượng có hệ miễn dịch yếu hoặc có sẵn các vấn đề sức khỏe nền, bao gồm:
- Người cao tuổi: Hệ miễn dịch của người cao tuổi thường suy giảm, khiến họ dễ mắc bệnh và gặp phải các biến chứng nghiêm trọng hơn khi bị cúm A.
- Người có bệnh lý mạn tính: Những người mắc các bệnh như tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh phổi mạn tính (hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính), hoặc các bệnh lý về thận thường có nguy cơ cao nhiễm cúm A và có thể bị các biến chứng nguy hiểm.
- Phụ nữ mang thai: Trong quá trình mang thai, hệ miễn dịch của phụ nữ thay đổi để bảo vệ thai nhi, khiến họ dễ bị virus cúm tấn công và gây bệnh hơn.
- Nhân viên y tế hoặc những người tiếp xúc với bệnh nhân cúm: Những người làm việc trong môi trường y tế, hoặc tiếp xúc gần gũi với người bị cúm, dễ bị lây nhiễm do virus lây qua đường hô hấp.
- Người có hệ miễn dịch suy yếu: Những người đang điều trị ung thư, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch hoặc có các bệnh lý làm suy yếu hệ miễn dịch như HIV/AIDS cũng dễ bị nhiễm cúm A và gặp phải biến chứng nghiêm trọng.
Biến chứng nguy hiểm khi mắc cúm A ở người lớn
Mặc dù cúm A ở người lớn thường gây ra các triệu chứng nhẹ và tự khỏi sau vài ngày, nhưng trong một số trường hợp, đặc biệt là ở người lớn tuổi, người có bệnh nền hoặc hệ miễn dịch suy yếu, cúm A có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng.
Cụ thể:
- Viêm phổi: Đây là biến chứng nguy hiểm nhất của cúm A ở người lớn, xảy ra khi các phế nang trong phổi bị viêm nhiễm. Viêm phổi có thể gây khó thở, đau ngực và thậm chí suy hô hấp.
- Viêm cơ tim: Virus cúm A có thể tấn công và gây viêm cơ tim, làm ảnh hưởng đến chức năng bơm máu của tim. Viêm cơ tim có thể gây đau ngực và khó thở.
- Viêm não: Trong một số trường hợp hiếm hoi, virus cúm A có thể xâm nhập vào não và gây viêm não, dẫn đến các triệu chứng cúm A ở người lớn như đau đầu dữ dội, co giật, hôn mê.
- Suy đa tạng: Trong trường hợp nặng, cúm A có thể gây tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể, dẫn đến suy đa tạng.
- Nhiễm trùng thứ phát: Cúm A làm suy yếu hệ miễn dịch, tạo điều kiện cho các vi khuẩn khác xâm nhập và gây nhiễm trùng như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm thận…
- Nhiễm trùng huyết: Cúm A có thể gây ra nhiễm trùng huyết, đặc biệt là khi có vi khuẩn thứ phát xâm nhập vào cơ thể. Nhiễm trùng huyết có thể gây hạ huyết áp, suy đa cơ quan.
- Suy hô hấp: Hội chứng suy hô hấp cấp xảy ra do virus cúm làm tổn thương hàng rào nội mô, rò rỉ chất lỏng vào phế nang và gây suy hô hấp. Tình trạng này kéo dài có khả năng gây khó thở, thở rít, tăng nguy cơ nhập viện thở máy.
Cúm A ở người lớn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Nếu gặp các dấu hiệu sau, cần đưa người bệnh đến bệnh viện ngay lập tức để bác sĩ kiểm tra và điều trị kịp thời:
- Khó thở hoặc thở hụt hơi;
- Đau ngực;
- Đau họng, đau nhiều khi nuốt;
- Ho nhiều, ho lâu ngày không khỏi;
- Đau đầu, sốt cao liên tục (38°C hoặc cao hơn);
- Nôn liên tục;
- Cảm thấy bối rối hoặc mất phương hướng;
- Ho ra đờm có màu;
- Hạ huyết áp hoặc huyết áp thấp;
- Nhịp tim nhanh và dồn dập…
Tại sao cúm A lại nguy hiểm với người lớn tuổi?
Cúm A mặc dù có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, nhưng người lớn tuổi lại có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng và gặp phải các biến chứng nguy hiểm khi bị cúm A. Điều này chủ yếu xuất phát từ các yếu tố sau:
- Hệ miễn dịch yếu và suy giảm:
Khi tuổi tác tăng lên, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ suy yếu dần, khiến cơ thể khó khăn hơn trong việc chống lại các tác nhân gây bệnh như virus cúm. Người lớn tuổi, đặc biệt là những người trên 65 tuổi, có khả năng miễn dịch giảm, do đó, khi nhiễm cúm A, họ có nguy cơ mắc bệnh nặng và gặp biến chứng cao hơn so với những người trẻ tuổi có hệ miễn dịch khỏe mạnh.
-
Các bệnh mạn tính:
Người lớn tuổi thường mắc các bệnh lý nền như tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh phổi mạn tính, cao huyết áp, suy thận, hoặc các bệnh lý thần kinh. Những bệnh lý này làm suy yếu khả năng chống lại cúm A ở người lớn và gia tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, suy tim, hoặc nhiễm trùng huyết. Việc mắc cúm có thể làm trầm trọng thêm tình trạng các bệnh lý nền này, khiến sức khỏe tổng thể của người bệnh càng trở nên yếu đi.
-
Khả năng phục hồi chậm hơn:
Ở người lớn tuổi, quá trình phục hồi từ các bệnh nhiễm trùng như cúm A thường kéo dài lâu hơn so với người trẻ. Hệ thống miễn dịch kém và khả năng phục hồi chậm hơn có thể khiến người lớn tuổi dễ mắc các biến chứng nặng như viêm phổi, suy hô hấp hoặc tổn thương các cơ quan khác. Việc phục hồi sau cúm A đối với người lớn tuổi có thể phải mất nhiều thời gian và có thể yêu cầu chăm sóc y tế đặc biệt.
-
Rủi ro biến chứng nặng hơn:
Cúm A ở người lớn có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm cơ tim, suy thận hoặc nhiễm trùng huyết. Những biến chứng này đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người lớn tuổi. Cúm làm tăng nguy cơ đau tim gấp 3 – 5 lần và đột quỵ gấp 2 – 3 lần trong 2 tuần đầu tiên sau khi nhiễm bệnh đối với những người từ 65 tuổi trở lên. Nguy cơ vẫn ở mức cao trong nhiều tháng. Tất cả những điều này cộng lại làm tăng nguy cơ tử vong do cúm và các biến chứng liên quan lên 6 lần nếu người bệnh từ 65 tuổi trở lên.
-
Sử dụng thuốc:
Người lớn tuổi thường phải dùng nhiều loại thuốc để điều trị các bệnh mạn tính. Một số loại thuốc có thể làm suy yếu hệ miễn dịch làm tăng nguy cơ mắc biến chứng khi bị cúm.
Cách chẩn đoán bệnh cúm A ở người lớn
Chẩn đoán bệnh cúm A ở người lớn chủ yếu dựa vào việc kết hợp các triệu chứng lâm sàng và các phương pháp xét nghiệm để xác định sự hiện diện của virus cúm A. Dưới đây là các phương pháp thường được sử dụng để chẩn đoán bệnh cúm A ở người lớn:
-
RT-PCR:
Đây là phương pháp có độ đặc hiệu cao và khá chuẩn xác để kiểm tra và phân loại virus cúm. Đối với phương pháp RT-PCR, trong vòng 4 – 6 giờ cho kết quả chính xác nhất.
-
Miễn dịch huỳnh quang:
Đây là xét nghiệm phát hiện kháng nguyên thường yêu cầu sử dụng kính hiển vi huỳnh quang để đưa ra kết quả trong khoảng 2 – 4 giờ với độ nhạy vừa phải và độ đặc hiệu cao.
-
Xét nghiệm nhanh (RIDTs):
Phương pháp này có độ nhạy khoảng 50 – 70% trong việc phát hiện kháng nguyên virus cúm và độ đặc hiệu lớn hơn 90%. Phương pháp này cho kết quả sau 10 – 15 phút. (4)
-
Phân lập virus:
Không phải là một xét nghiệm sàng lọc phổ biến, nhưng trong thời gian dịch cúm đang hoạt động, việc thực hiện phân lập virus trên các mẫu bệnh phẩm từ những người nghi ngờ mắc cúm là rất quan trọng. Phương pháp này cần được thực hiện trong các phòng thí nghiệm vi sinh hiện đại để đảm bảo độ chính xác và an toàn.
-
Xét nghiệm huyết thanh:
Phương pháp này thường được sử dụng cho mục đích hồi cứu và nghiên cứu là chủ yếu, thường không phổ biến để phát hiện virus cúm ở người nhằm kiểm soát bệnh cấp tính.
Điều trị cúm A ở người lớn
Khi người lớn mắc bệnh cúm A, điều trị chủ yếu là làm giảm các triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng do bệnh gây ra. Việc điều trị có thể bao gồm việc sử dụng thuốc kháng virus và các thuốc điều trị triệu chứng để làm giảm khó chịu cho người bệnh. Dưới đây là các phương pháp điều trị chính cho cúm A ở người lớn:
1. Sử dụng thuốc kháng virus
Thuốc kháng virus được sử dụng nhiều trong việc điều trị cúm A, giúp làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh và rút ngắn thời gian bệnh. Thuốc kháng virus thường được sử dụng trong vòng 48 giờ kể từ khi xuất hiện các triệu chứng cúm để đạt hiệu quả tốt nhất. Các loại thuốc kháng virus phổ biến trong điều trị cúm A ở người lớn bao gồm:
-
Oseltamivir phosphate:
Loại thuốc này được sử dụng để giảm thời gian và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng do cúm A gây ra. Oseltamivir phosphate được dùng dưới dạng viên uống và có thể được chỉ định cho trẻ em trên 1 tuổi và người lớn.
-
Zanamivir:
Là loại thuốc kháng virus được sử dụng dưới dạng hít, giúp điều trị cúm A bằng cách ức chế sự sinh sản của virus trong cơ thể. Zanamivir không được khuyến cáo cho những người có tiền sử bệnh phổi hoặc hen suyễn, vì thuốc có thể gây kích ứng và làm co thắt phế quản, dẫn đến các vấn đề hô hấp nghiêm trọng.
-
Peramivir:
Loại thuốc này thường được dùng dưới dạng tiêm tĩnh mạch và được chỉ định tiêm cho các trường hợp bệnh nặng hoặc bệnh nhân không thể dùng thuốc qua đường miệng.
-
Baloxavir marbocyl:
Loại thuốc này có khả năng ức chế khả năng sao chép của virus cúm và chỉ cần dùng một liều duy nhất. Thuốc Baloxavir marbocyl được điều chế dưới dạng viên và dạng lỏng, có hiệu quả cao khi vừa xuất hiện triệu chứng.
2. Sử dụng thuốc để điều trị triệu chứng
Ngoài thuốc kháng virus, việc sử dụng thuốc điều trị triệu chứng là rất cần thiết để làm giảm sự khó chịu của người bệnh và giúp họ cảm thấy thoải mái hơn trong suốt quá trình hồi phục. Các thuốc điều trị triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Hạ sốt: Có thể sử dụng một số loại thuốc hạ sốt như Acetaminophen hoặc Ibuprofen để giảm sốt và giảm đau nhức, khó chịu.
- Giảm ho: Sử dụng các loại thuốc ho như Dextromethorphan hoặc siro ho giúp làm giảm cơn ho hiệu quả. Nếu người bệnh gặp tình trạng ho khan, có thể sử dụng các loại thuốc làm dịu cổ họng. Trong trường hợp ho có đờm, có thể sử dụng thuốc long đờm để dễ thở hơn.
- Giảm nghẹt mũi: Có thể sử dụng thuốc xịt mũi chứa Phenylephrine giúp giảm nghẹt mũi hiệu quả.
- Đau họng: Có thể súc miệng bằng nước muối ấm hoặc dùng viên ngậm chứa thành phần làm dịu cổ họng để giảm đau họng. Nếu có đờm có thể sử dụng thuốc long đờm như Guaifenesin để loại bỏ chất nhầy ra khỏi phổi dễ dàng hơn.
Theo VNVC