Người nổi tiếng, người có ảnh hưởng lớn trên MXH thực hiện quảng cáo và bán hàng giả phải chịu trách nhiệm thế nào?

Người nổi tiếng, người có ảnh hưởng lớn trên MXH thực hiện quảng cáo và bán hàng giả phải chịu trách nhiệm thế nào?

TTSK –  Vừa qua sự việc phát hiện sản xuất gần 600 loại sữa bột giả trên thị trường khiến người tiêu dùng bàng hoàng và lo lắng không biết bản thân mình có từng mua, dùng phải sản phẩm giả kém chất lượng hay không. Vấn đề hàng giả, hàng nhái luôn là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng nghiêm trọng tới người tiêu dùng, cũng như các đơn vị sản xuất chính hãng.

Những sản phẩm bị làm giả trôi nổi trên thị trường đến tay khách hàng với chất lượng không đảm bảo, vừa khiến người tiêu dùng tốn kém, lại phải sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng, thậm chí gây nguy hại tới sức khỏe.

Cán bộ điều tra tiến hành kiểm dếm đối với hàng ngàn sản phẩm sữa bột giả các loại bị thu giữ.
Cán bộ điều tra tiến hành kiểm dếm đối với hàng ngàn sản phẩm sữa bột giả các loại bị thu giữ.

Thế nào gọi là hàng giả?

Luật sư Diệp Năng Bình cho biết pháp luật Việt Nam có nhiều văn bản đưa các quy định khác nhau có đề cập đến hàng giả, các văn bản cụ thể như: Nghị định 98/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật Dược năm 2016.

Cụ thể khoản 7 điều 3 nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định rõ về hàng giả. Hàng giả bao gồm các hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký.

Công an kiểm tra tang vật vụ án - Ảnh: Công an tỉnh Thanh Hóa cung cấp
Công an kiểm tra tang vật vụ án là thuốc giả – Ảnh: Công an tỉnh Thanh Hóa cung cấp

Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa.

Thuốc giả không có dược chất, dược liệu hoặc có dược chất không đúng với dược chất ghi trên nhãn hoặc theo tiêu chuẩn đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu theo quy định tại điều 33, điều 34 Luật Dược năm 2016…

Tang vật vụ án - Ảnh: Công an tỉnh Thanh Hóa cung cấp
Tang vật vụ án là thuốc chữa bệnh giả – Ảnh: Công an tỉnh Thanh Hóa cung cấp

Như vậy có thể hiểu hàng giả gồm hai loại là giả về hình thức và giả về nội dung. Do đó để hiểu và phân định những sản phẩm nào là hàng giả thì sẽ phụ thuộc vào việc cơ quan điều tra xác định mặt hàng đó phải chứa một hoặc nhiều dấu hiệu giả theo các quy định mà pháp luật đã đặt ra.

Buôn bán hàng giả bị xử lý thế nào?

Cũng theo chuyên gia này với hành vi sản xuất, mua, bán hàng giả dù không biết nhưng theo quy định tại điều 11 nghị định 98/2020/NĐ-CP, người kinh doanh hàng giả tùy thuộc vào mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt tương ứng.

Các bị can vừa bị công an bắt giữ, khởi tố - Ảnh: Công an tỉnh Thanh Hóa cung cấp
Các bị can vừa bị công an bắt giữ, khởi tố về tội sản xuất và tiêu thụ thuốc giả – Ảnh: Công an tỉnh Thanh Hóa cung cấp

Trường hợp cao nhất, người vi phạm có thể đối mặt với mức xử phạt 30-50 triệu đồng. Đặc biệt mức phạt có thể bị tăng gấp đôi nếu mua bán, nhập khẩu hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, hóa chất… theo quy định tại khoản 2 điều 11.

Trường hợp đủ căn cứ xác định hành vi sản xuất, mua bán hàng giả gây ảnh hưởng nghiêm trọng, thì cơ quan điều tra sẽ tiến hành truy tố theo quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng giả tại điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Mức xử phạt cao nhất cho người vi phạm tội danh này là từ 100 triệu đồng đến 1 tỉ đồng, hoặc 7-15 năm tù giam. Trường hợp là pháp nhân, mức xử phạt tiền có thể lên đến 6-9 tỉ đồng.

Người quảng cáo hàng giả có liên đới trách nhiệm?

Điều 22 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã quy định rõ trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng.

Trong trường hợp này, bên thứ ba được hiểu là những đơn vị, cá nhân đã ký hợp đồng quảng cáo sản phẩm cho doanh nghiệp tới người tiêu dùng.

MC - diễn viên Vân Hugo bị chỉ trích vì quảng cáo một loại sữa trong đường dây sữa giả vừa qua
Hàng loạt nghệ sĩ, người nổi tiếng lùm xùm vụ quảng cáo sữa giả trong thời gian vừa qua

 

Trường hợp nếu hàng hóa mà người nổi tiếng, đơn vị truyền thông quảng cáo bị xác định là hàng giả, căn cứ khoản 5 điều 34 nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, người quảng cáo có thể bị xử phạt hành chính từ 60-80 triệu đồng nếu quảng cáo không đúng, hoặc gây nhầm lẫn hàng hóa, chất lượng, công dụng… của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký.

Giả sử trường hợp người quảng cáo nếu đã biết về sản phẩm mình quảng cáo là hàng giả nhưng vẫn cố tình quảng cáo, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm của tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Theo Tuoitre

 

TIN CŨ HƠN

0886055166
0886055166