TTSK
– Khi nuôi con bằng sữa mẹ, rất nhiều bà mẹ gặp tình trạng ít sữa hoặc mất sữa đột ngột dẫn đến mất đi nguồn dinh dưỡng chủ yếu cho trẻ. Để tăng nguồn sữa đảm bảo em bé có đủ sữa và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của trẻ, hãy thử thực hiện 6 cách sau để tăng nguồn sữa mẹ.
Khi mới sinh, dạ dày của trẻ rất bé nên trẻ ít có nhu cầu bú sữa, cơ thể mẹ thường chưa tiết được nhiều sữa. Tuy nhiên, khi đã quen với việc bú mẹ, nhu cầu sữa của trẻ tăng lên, lúc này, cơ thể mẹ cũng tiết nhiều sữa hơn. Tham khảo một số mẹo dưới đây giúp “gọi” sữa mẹ về nhiều, mẹ không lo thiếu sữa.
Những nguyên nhân làm cho mẹ bị ít sữa hoặc mất sữa
Sữa mẹ luôn được xem là thức ăn hoàn hảo và lý tưởng nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong những năm tháng đầu đời. Tuy nhiên, hành trình nuôi con bằng sữa mẹ không hề đơn giản và dễ dàng. Tâm lý chung của hầu hết các bà mẹ là sợ bị ít sữa, trong khi thực tế chỉ có một số ít bà mẹ thực sự không đủ sữa cho con bú do nhiều nguyên nhân.
Chuyên gia sản khoa cho biết có rất nhiều nguyên nhân khác nhau khiến mẹ ít sữa, tắc sữa hoặc mất sữa sau sinh, trong đó phải kể đến một số nguyên nhân chính như sau:
- Mẹ suy nghĩ quá nhiều dẫn đến căng thẳng, thiếu ngủ và mất ngủ sau sinh. Tình trạng này kéo dài khiến cơ thể mẹ giảm tạo tiết sữa, bên cạnh đó còn dẫn đến trầm cảm sau sinh – một bệnh rất nguy hiểm có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ.
- Chế độ dinh dưỡng nghèo nàn, không bổ sung đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng của phụ nữ sau sinh và cho con bú. Nhiều bà mẹ áp dụng phương pháp dân gian là ăn móng giò, gà hầm… mà bỏ quan các món dinh dưỡng khác, khiến cơ thể không cung cấp đủ dinh dưỡng để tiết sữa.
- Mẹ lạm dụng sữa công thức khiến trẻ quen hương vị, không muốn bú mẹ. Khi bầu sữa mẹ không được kích thích thường xuyên từ việc cho trẻ bú, sữa sẽ ít dần và có thể mất sữa.
- Mẹ mắc phải các bệnh lý liên quan đến tuyến vú như áp xe, viêm tuyến vú hoặc phẫu thuật ngực gây ảnh hưởng đến hoạt động tiết sữa của tuyến vú.
- Mẹ sinh non hoặc sinh mổ nên sữa về chậm và ít sữa hơn so với mẹ sinh thường và đủ tháng.
- Mẹ bị thiếu máu hoặc các vấn đề sức khỏe khác như tuyến giáp.
- Mẹ sử dụng máy hút sữa sai cách.
Những cách hữu ích giúp tăng nguồn sữa mẹ sau sinh
1. Hãy cho bé bú sữa mẹ ngay sau khi sinh
Các chuyên gia khuyến nghị nên cho trẻ bú mẹ sớm nhất có thể, tốt nhất là trong vòng 1 giờ đầu tiên sau khi sinh để tận hưởng được dòng sữa non quý giá, chứa nhiều chất dinh dưỡng cho trẻ.
Khi vừa mới sinh, ngực của mẹ đã bắt đầu có sữa. Loại sữa này được gọi là sữa non và chỉ tồn tại khoảng 48 giờ sau khi sinh. Trẻ cần được bú sữa non ngay trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. Đây cũng là cách tăng tiết sữa cho mẹ mới sinh nhờ sự kích thích tuyến sữa hoạt động tốt hơn.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm – nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Các bà mẹ cần nhớ rằng chính động tác mút ti của em bé là điều quan trọng kích thích tăng tiết sữa nhiều hơn. Sự kích thích này giúp lượng sữa mẹ về ổn định và nhiều hơn.
2. Cho bú cạn hoặc hút sữa thường xuyên
Cơ thể mẹ sản xuất sữa trên cơ sở cung và cầu, vì vậy nếu muốn tăng cường nguồn sữa, bà mẹ cần phải cho bé bú cạn sữa trong bầu ngực. Người mẹ có thể làm điều này bằng cách cho bé ăn thường xuyên hơn trong ngày nếu bé muốn, hoặc cần phải hút sữa thường xuyên hơn nếu con bạn kéo dài thời gian giữa các cữ bú.
Mẹ hãy cho bé bú theo nhu cầu của bé, đến khi no bụng bé sẽ tự động nhả núm ti ra. Trong trường hợp bé ngủ nhiều, không đòi bú, mẹ nên đánh thức trẻ dậy để bú. Thường xuyên làm cạn nguồn sữa sẽ giúp cơ thể sản xuất nhiều sữa hơn.
3. Hút sữa sau khi cho con bú
Đôi khi có những trẻ chỉ bú một bên hoặc bé vừa ăn vừa ngủ nên sẽ không mút hết sữa. Để “làm trống” bầu ngực, mẹ nên vắt hết sữa thừa hoặc dùng máy hút sữa sau khi bé bú xong. Điều này sẽ giúp báo hiệu cho cơ thể bà mẹ cần phải sản xuất nhiều sữa hơn, làm tăng nguồn cung cấp sữa.
4. Ngủ đủ giấc lành mạnh
Hầu hết các bà mẹ khi ở cữ thường không được ngủ đủ giấc vì phải thức dậy để cho con ăn cữ đêm. Giấc ngủ ngon sẽ giúp cơ thể mẹ dễ dàng duy trì nguồn sữa hơn. Do đó, bà mẹ cần tranh thủ ngủ trưa khi trẻ ngủ và hãy tập trung vào việc có được giấc ngủ chất lượng. Có thể nhờ chồng, người thân trông con để mẹ có giấc ngủ trưa trọn vẹn.
5. Tiếp xúc da kề da nhiều hơn
Những lợi ích của việc tiếp xúc da kề da giữa mẹ và con ngay sau khi sinh đã được ghi nhận rõ ràng. Việc tăng thời gian tiếp xúc da kề da trong khoảng thời gian ở cữ cũng giúp ích cho việc kích thích cơ thể mẹ sản xuất prolactin nhiều hơn. Hormone này đóng vai trò chính trong việc kích thích sản xuất sữa.
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc tiếp xúc da kề da có thể giúp bé làm quen với mùi hương của mẹ, giúp bé quen hơn với việc nhận biết núm vú và phát triển khớp ngậm an toàn. Việc bú không tốt có thể khiến trẻ sơ sinh khó bú đủ sữa, điều này dẫn đến giảm nguồn sữa mẹ.
6. Bà mẹ chăm sóc bản thân tốt giúp tiết sữa nhiều hơn
Bà mẹ mới sinh thường dành phần lớn sự tập trung chăm sóc vào em bé. Nhưng bà mẹ cũng cần chăm sóc sức khỏe của mình. Hãy thực hành những thói quen chăm sóc bản thân tốt và em bé mới sinh sẽ có lợi hơn nhờ điều đó.
Bên cạnh việc cố gắng để có được giấc ngủ ngon, bà mẹ hãy cố gắng vận động nhẹ nhàng, thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, uống đủ nước và tìm cách giải tỏa căng thẳng, cho dù đó là tập yoga, tập thở hay tắm nước ấm. Cơ thể mẹ sẽ sản xuất sữa dễ dàng hơn khi bà mẹ biết cách ưu tiên sức khỏe của mình.
Ngoài ra, chuyên gia dinh dưỡng lưu ý, các mẹ nên bổ sung thêm canxi, viên đa chất dinh dưỡng cho thời kỳ cho con bú để tăng chất lượng và số lượng sữa mẹ.
Một số lưu ý chăm sóc sức khỏe mẹ sau sinh
Bác sĩ khuyến nghị, sau khi sinh người mẹ cần được nghỉ ngơi hợp lý, vận động nhẹ nhàng, uống đủ nước, ăn uống đầy đủ 4 nhóm chất là chất đạm, chất bột đường, chất béo, vitamin và khoáng chất cũng như bổ sung sắt, vitamin theo hướng dẫn của bác sĩ.
Những ngày đầu sau sinh rất dễ xảy ra biến chứng, vì thế mẹ cần được theo dõi và chăm sóc đặc biệt. Nên cho trẻ bú mẹ càng sớm càng tốt để kích thích tử cung co hồi, tránh chảy máu, tiết sữa sớm. Đồng thời, việc cho trẻ bú mẹ càng sớm còn có tác dụng giữ ấm cho trẻ, giúp trẻ không bị hạ thân nhiệt, giảm nguy cơ viêm đường hô hấp trên.
Mẹ nên theo dõi sản dịch để phát hiện sớm tình trạng chảy máu sau sinh. Nếu thấy ra máu đỏ tươi, máu vón cục hoặc bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy báo ngay cho bác sĩ hoặc đến ngay cơ sở y tế để được can thiệp kịp thời.
Không sinh hoạt tình dục trong 42 ngày đầu sau sinh. Khi quan hệ trở lại, mẹ cần áp dụng biện pháp tránh thai phù hợp để tránh mang thai trở lại quá sớm. Người chồng và gia đình cần quan tâm, chăm sóc, động viên và san sẻ việc chăm sóc trẻ để mẹ có thời gian nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe sau sinh và tạo tiết sữa cho con bú.
Người chồng và gia đình nên theo dõi, phát hiện sớm những thay đổi cảm xúc ở mẹ như mất ngủ, mệt mỏi, lo lắng, buồn chán… bởi đó có thể là những dấu hiệu của bệnh lý trầm cảm sau sinh rất nguy hiểm. Khi có những dấu hiệu này, cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có những phương án can thiệp kịp thời.
Theo SKĐS